Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua một năm đặc biệt với những khó khăn chưa từng có khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Họ không chỉ nỗ lực lèo lái doanh nghiệp vượt qua khó khăn mà còn có nhiều sáng kiến mới lạ, góp phần đáng kể trong công cuộc phòng chống dịch cùng Chính phủ và cộng đồng.
"ATM oxy"
Khi oxy trở thành thứ không thể thiếu để mỗi bệnh nhân COVID-19 giành giật lấy mạng sống thì trong suy tính của Doanh nhân Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam - đã nảy lên ý tưởng “ATM oxy” độc nhất vô nhị. Trực tiếp điều hành chương trình này ở điểm nóng TP.HCM, ông Hồng Anh đã góp sức cung cấp oxy miễn phí cho hơn 400 trạm y tế lưu động, tương đương với việc hỗ trợ oxy miễn phí cho khoảng 4.000 bệnh nhân COVID-19 mỗi ngày.
Doanh nhân Đặng Hồng Anh điều hành chương trình “ATM oxy” ở TP.HCM. (Ảnh: Shark Tank)
Theo ông Hồng Anh, chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, chương trình “ATM oxy” đã thành lập, vận hành 23 trạm lưu trữ, cung cấp oxy tại TP.HCM. Các “ATM oxy” hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày với mong muốn duy nhất là hỗ trợ người bệnh sớm chiến thắng COVID-19. ATM oxy đã miệt mài hoạt động, giúp biết bao bệnh nhân vượt qua cửa tử, giảm bớt gánh mặng cho ngành ý tế địa phương.
ATM gạo
Giữa cơn đại dịch COVID-19, doanh nhân Hoàng Tuấn Anh - chủ doanh nghiệp hãng Khóa điện tử PHG tại TP.HCM - đã sáng chế ra loại ATM đặc biệt: ATM gạo.
Tháng 3/2020, trong đợt Việt Nam giãn cách xã hội lần thứ nhất do COVID-19, trên trang cá nhân của mình, Hoàng Tuấn Anh bày tỏ mong muốn được mọi người chung tay phát 100 tấn gạo đến người nghèo.
Doanh nhân Hoàng Tuấn Anh - cha đẻ của "ATM gạo". (Ảnh: Baodautu)
Với ưu thế là doanh nghiệp trong lĩnh vực kĩ thuật, Tuấn Anh quyết định sáng tạo một chiếc máy phát gạo, sao cho người nhận gạo không phải chen lấn xô đẩy, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh lẫn nhiều hệ lụy khác. Sau ít ngày miệt mài, chiếc “ATM gạo” đầu tiên đã ra đời, đặt tại đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP HCM.
“ATM gạo” hoạt động theo nguyên lý gạo được đổ vào phía bên trong máy, dẫn ra ngoài qua một đường ống.
Không chỉ là sáng chế mới lạ và hiệu quả, “ATM gạo” còn đặc biệt ở chỗ độc đáo nhưng không đòi hỏi độc quyền. Hoàng Tuấn Anh đã tích cực hỗ trợ và chuyển giao “công nghệ” cho nhiều đơn vị, địa phương từ máy, gạo, nhân lực… để mô hình này lan tỏa rộng khắp.
Những ngày đầu tháng 8/2021, TP.HCM bị bủa vây bởi dịch bệnh, Hoàng Tuấn Anh cũng chính là người đôn đáo ngược xuôi để “ATM oxy” đi vào hoạt động.
Siêu thị mini 0 đồng
Sự xuất hiện của hàng loạt "siêu thị mini 0 đồng” giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều hộ dân gặp khó khăn đã khiến nhiều người dân vô cùng xúc động. Chủ nhân của ý tưởng này là doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TP. HCM (HAWEE), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng Bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ).
Bà Dung đã tổ chức hệ thống siêu thị mini 0 đồng tại 21 quận, huyện của TP.HCM.
Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung tổ chức siêu thị mini 0 đồng. (Ảnh: PNJ)
Bà Dung chia sẻ: "Giãn cách xã hội siết chặt khiến hoạt động triển khai siêu thị mini 0 đồng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã tìm nhiều cách để vận động, xin phép, cho đến khi được Chính quyền TP đồng ý, tôi như vỡ òa. Tôi khóc còn vì cảm xúc, vì cái tình của người dân và doanh nhân TP. Tất cả đã và đang làm việc không chỉ vì bản thân, vì doanh nghiệp mà còn vì cộng đồng, xã hội”.
Siêu thị lưu động
Tạm gạt nỗi đau mẹ qua đời vì mắc COVID-19 sang một bên, doanh nhân Lê Hữu Nghĩa đã gây xúc động khi cùng Hội doanh nghiệp Q. Bình Tân tổ chức nhiều chương trình rất ý nghĩa. Trong đó, phải kể đến "Siêu thị lưu động - Chia sẻ yêu thương cùng chiến thắng đại dịch” giải cứu 300 tấn rau cho nông dân các tỉnh miền tây.
Doanh nhân Lê Hữu Nghĩa. (Ảnh: Youtube)
Siêu thị lưu động đảm bảo nguyên tắc phòng dịch với hình thức bán không tiếp xúc. Mỗi xe tải khi chở hàng đến điểm bán sẽ dựng rào chắn và để người mua tự đến lấy hàng. Combo 3 - 4 loại rau với giá 50.000 đồng sẽ được chuẩn bị sẵn.
Nếu mua, người dân chỉ cần tự đến lấy, tự để tiền vào đúng chỗ và tất cả tiền sau mỗi buổi bán sẽ được khử khuẩn trước khi sử dụng. Với những khu cách ly, phong tỏa hoặc khu có người lao động gặp khó khăn, siêu thị lưu động sẽ hoạt động như siêu thị 0 đồng, chỉ tặng không bán.
Ông Nghĩa nói: “Tất cả nông sản đều sẽ được bán với giá vốn, chi phí vận chuyển sẽ do các thành viên trong Hội tự chi trả. Đặc biệt, mỗi tài xế, người thu mua, người bán hàng đều là nhân viên của các DN, tình nguyện tham gia vào chương trình để hỗ trợ bà con”.
Ý tưởng của ông Nghĩa đã khiến nông dân thoát cảnh thất thu vì hàng tồn đọng, còn người nghèo thì vẫn được mua hàng giá rẻ ngay giữa đại dịch cam go.