Thực tế đã chứng minh rằng điểm số, bằng cấp không phải điều kiện bắt buộc phải có để đi đến thành công. Rất nhiều tỷ phú, doanh nhân thế giới chưa có bằng Đại học như Bill Gates, Mark Zuckerberg. Ngay ở Việt Nam, cũng có nhiều doanh nhân nổi tiếng mà không qua trường lớp Đại học
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai
Ông Đoàn Nguyên Đức (được gọi là bầu Đức) là người không có duyên với chuyện học hành. Năm 1982, khi vừa tròn 20 tuổi, bầu Đức tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm. Ông lên TP.HCM thi Đại học nhưng bị trượt. Không nản lòng, bầu Đức tiếp tục vừa làm vừa học, quyết thi lại, nhưng tới lần thi thứ 4, ông vẫn không đỗ.
Sau 4 lần không thi đỗ Đại học, ông nhận ra có nhiều con đường để dẫn đến thành công. Bầu Đức chọn con đường khởi nghiệp riêng không qua trường học mà bằng trường đời. Ông làm đủ mọi nghề để nuôi sống bản thân, tích góp kinh nghiệm.
Bầu Đức từng nói: "Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”.
Sau một thời gian làm thuê, năm 1990, bầu Đức mở một phân xưởng nhỏ có tên Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác để hình thành nên tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày hôm nay.
Năm 2011, Chủ tịch Hoàng Anh - Gia Lai được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á. Ông cũng từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2008.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen
Sinh ra và lớn lên tại một vùng đất lam lũ thuộc tỉnh Bình Định, ông Lê Phước Vũ đã có những bước khởi nghiệp đầu tiên đầy gian truân. Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại quê nhà, ông Lê Phức Vũ tiếp tục học Trung cấp ngành vận tải ô tô và sau đó vào miền Nam lập nghiệp, làm ở đội xe khoán, rồi lái xe con…
Sau một thời gian tìm kế mưu sinh, tháng 4/1994, ông quyết định mở cửa hàng cắt tôn khi nhận thấy sản phẩm tôn lợp rất phù hợp với nhu cầu dựng nhà của người dân và cho đấy là một cơ hội kinh doanh tốt. Kết quả thu được theo thời gian đã chứng tỏ cái nhìn rất tinh tường và sự nhạy bén trong kinh doanh của ông Vũ.
Năm 2001, ông thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen tại Bình Dương với số nhân viên là 22 người và xây dựng công ty lớn mạnh đến ngày nay. Dưới sự lãnh đạo tài ba của ông Lê Phước Vũ, Hoa Sen Group thống trị thị trường tôn mạ với khoảng 40% thị phần nội địa. Kết quả kinh doanh của công ty tăng trưởng một cách ấn tượng trong khi hầu hết các doanh nghiệp lao đao trong thời kỳ khủng hoảng. Niên độ tài chính 2011-2012, Hoa Sen đạt doanh thu hơn 10.000 tỷ và lãi sau thuế 368 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm niên độ 2012-2013, công ty đã lãi tới 513 tỷ đồng.
Mới đây nhất, lợi nhuận sau thuế niên độ tài chính 2019-2020 của Hoa Sen tăng hơn 200%, ước đạt 1.100 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ quay trở lại mốc lợi nhuận nghìn tỷ sau 3 năm.
Cổ phiếu Hoa Sen hiện tại giao dịch ở vùng giá 15.800 đồng, mức cao nhất trong hơn 2 năm qua tính từ tháng 5/2018. Đây là một trong những cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất trong năm 2020.
Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch Công ty thủy sản Hùng Vương
Ông Dương Ngọc Minh sinh năm 1965 ở TP.HCM, là Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Hùng Vương. Tính đến ngày 12/10/2020, ông Dương Ngọc Minh sở hữu khối tài sản tương đương 400 tỷ đồng.
Ông cũng từng được biết đến là doanh nhân giàu thứ 2 trong lĩnh vực thủy sản.
Năm 1984, ông Dương Ngọc Minh được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc công ty Đông lạnh Hùng Vương, một doanh nghiệp Nhà nước tại quận 6, TP.HCM. Sau một thời gian hoạt động, Công ty Hùng Vương nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, giá trị hơn 30 triệu USD/năm. Tuy nhiên, năm 1995, tỷ giá USD biến động chóng mặt khiến công ty lâm vào vỡ nợ, phá sản.
Năm 2003, sau khi ra tù, thay vì chấp nhận lời mời phụ việc cho người quen, ông đã quyết làm lại từ hai bàn tay trắng. Ông vay mượn rồi mở công ty thủy sản, vẫn giữ tên Hùng Vương đã từng gắn bó với mình từ thủa ban đầu. Nhưng thay vì chọn hàng tôm, ông chuyển sang cá tra là sản phẩm chủ lực.
Đến nay Hùng Vương có 6 nhà máy chế biến cá, gồm 12 phân xưởng, công ty hoàn toàn chủ động nguyên liệu sản xuất, khả năng xử lý từ 1.000-1.100 tấn nguyên liệu/ngày. Với những thành công đó, đại gia Dương Ngọc Minh được gọi là “vua cá tra”.
Sở hữu khối tài sản kếch xù song ít ai biết đại gia Dương Ngọc Minh không có bằng Đại học. Theo thông tin ghi trên báo cáo gửi nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Minh chỉ ghi vỏn vẹn mình tốt nghiệp Trung học Phổ thông (12/12) và có trình độ chuyên môn là nuôi trồng thủy sản.
Bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai
Bà Nguyễn Thị Như Loan (SN 1960) hiện giữ chức vụ Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai. Bà là một “nữ tướng” đáng nể trên thương trường Việt Nam, một thời bà và ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là hai chủ buôn gỗ lớn nhất ở tỉnh Gia Lai. Thế nhưng, ít ai biết rằng bà mới chỉ học hết lớp 12, chưa một ngày ngồi trên giảng đường Đại học.
Sau khi học hết lớp 12, bà Loan bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu gỗ, rồi chuyển sang kinh doanh phân bón trước khi rẽ sang lĩnh vực bất động sản.
Năm 1994, bà Loan thành lập Công ty xí nghiệp tư doanh Quốc Cường, với lĩnh vực hoạt động chính là khai thác chế biến gỗ xuất khẩu, mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê với hơn 500 lao động. Đây chính là tiền thân của Công ty Quốc Cường Gia Lai - một thương hiệu kinh doanh bất động sản uy tín hiện nay.
Đến năm 2008, công ty của bà Như Loan bước đầu đầu tư trồng cao su. Bà Loan còn lấn sân sang cả lĩnh vực thủy điện. Tham gia kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng chủ yếu bà Loan vẫn làm giàu nhờ bất động sản. Bà đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản và tích lũy được khối tài sản kếch xù.