Thách thức sẽ lớn hơn lần đầu
Ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh - đơn vị đã dừng kinh doanh ở các thị trường quan trọng như Đà Nẵng, Hội An - dự báo, nếu dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp tiềm lực tài chính tốt cũng chỉ duy trì ổn định không quá nửa năm. Còn doanh nghiệp nhỏ, theo ông, trụ được tối đa ba tháng.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh - ông Hồ Huy. (Ảnh: Mai Linh)
Bản thân Mai Linh, doanh thu toàn hệ thống của Mai Linh giảm khoảng 30%, riêng một số thành phố du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt giảm đến 50% so với giai đoạn bình thường. "Đã thoát chết một lần nhưng đến lần hai thử thách sẽ khó hơn", ông Hồ Huy nói.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, đồng thời là Chủ tịch Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) cũng tin đợt dịch thứ hai có mức độ ảnh hưởng lớn hơn trước do có nhiều ca tử vong.
Với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, CEO Vinatex - một trong những đơn vị tạo ra hơn chục nghìn việc làm - cũng đánh giá, những quý cuối năm mới thật sự là thử thách.
"Khó khăn lắm mới lo được đơn hàng để có việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng đến khi có đơn hàng thì dịch bệnh lại bùng phát", ông Trường nói. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động phải cách ly tăng lên cũng ảnh hưởng lớn đến dây chuyền sản xuất và tiến độ đơn hàng.
Đến ngày 3/8, Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ - đơn vị thành viên của Vinatex - có hơn 200 người lao động phải cách ly, trung bình mỗi ngày tăng 20 người, trong khi đơn hàng đang cần giao cho khách đúng hạn.
Đừng chọn cách "ngủ đông"
COVID-19 diến biến phức tạp, các hoạt động kinh tế ngưng trệ, các chuỗi cung ứng, cũng như quá trình phục hồi trong hai tháng gần đây trở lại trạng thái dứt gãy. Tình thế này khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là quy mô vừa và nhỏ, nghĩ tới lựa chọn "ngủ đông" hoặc thậm chí rút lui khỏi thị trường.
Công nhân làm việc trong một công ty may mặc tại KCN Tân Đô, Long An cuối tháng 2/2020. (Ảnh: Quỳnh Trần)
Nhưng ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel, một đơn vị cũng đang gặp khó khăn vì dịch, cho rằng quan trọng nhất lúc này là làm cách nào tồn tại, giữ được thương hiệu. "Hãy đặt vấn đề ngược lại. Sẽ như thế nào nếu muốn trở lại sau dịch. Việc này giống như kéo gầu nước từ dưới giếng lên đến lưng chừng thì thả tay, để kéo lại lên mức cũ, lực tốn phải gấp đôi, gấp ba ban đầu. Việc phục hồi cũng tương tự, một khi đã rời khỏi thị trường, quay lại là điều không dễ", ông nói.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cũng khuyên các doanh nghiệp bằng mọi cách phải duy trì bán hàng, duy trì sản xuất và bảo vệ được công ăn việc làm cho người lao động. Thậm chí, các doanh nghiệp nhỏ có thể thành lập các liên minh để cùng nhau vượt khó khăn.
Theo người đứng đầu FPT, COVID-19 tạo ra nhiều thách thức, nhưng cũng là lúc thời điểm tốt để rà soát các bất cập, tiến hành cải cách quy trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này sẽ tăng cường tính cạnh tranh và hiệu quả quản lý.
Cần quyết sách nhanh
Chủ tịch FPT kiến nghị nên kích hoạt cơ chế ra quyết định "thời chiến", rút ngắn nhất thủ tục và thời gian xem xét, đưa nhanh các đề án kinh tế lớn vào thực tiễn, giúp các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt các cơ hội. Và cơ chế thời chiến này, theo ông Trương Gia Bình, cần được bảo đảm các quyết định này không bị hồi tố.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT. (Ảnh: Nguyễn Đông)
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn thì đề xuất, Chính phủ nên có kế hoạch phân bổ nhân sự làm sao để thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa tạo lợi thế cho doanh nghiệp. Trong đó, cần có bộ phận phân tích, tiếp nhận đề án, đề xuất mới của doanh nghiệp. Song song đó, hỗ trợ doanh nghiệp lấy đà trước khi "lùi một bước để tiến 10 bước".
Việc hỗ trợ, theo ông Hồ Huy, nên đến từ những thứ doanh nghiệp thực sự cần như miễn thuế, giảm lãi suất và rút ngắn thời gian vay vốn kinh doanh. Ông khẳng định các quyết sách nhanh và mạnh chính là "máy trợ thở" với các doanh nghiệp trong giai đoạn này.
"Đã thoát chết một lần thì lần hai thử thách sẽ khó hơn. Bây giờ ai cũng thoi thóp cả nên cần Chính phủ giúp sức càng sớm càng tốt", Chủ tịch Mai Linh nói.