Video: Hơn 1,1 ha rừng phòng hộ ở Bình Định bị phá.
Ngày 22/2, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) cho biết, hơn 11.800 m2 rừng phòng hộ tại tiểu khu 169, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh vừa bị đốn hạ.
Qua xác minh ban đầu của Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, diện tích rừng phòng hộ bị phá trên nghi do ông Đinh Ươn (hay gọi là Bá Ru) ở làng 6, xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh) tự ý cưa hạ với mục đích lấy đất trồng keo.
Theo ghi nhận trong diện tích rừng phòng hộ tại vị trí lô 12 và 14 thuộc khoảnh 4, tiểu khu 169 bị phá có đến 165 cây sao đen, 62 cây keo được trồng với tuổi đời trên dưới 15 năm, đường kính 16 - 30 cm.
Tất cả số cây bị đốn hạ nằm phơi gốc ngổn ngang thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định).
Hơn 1,1 ha rừng phòng hộ bị đốn hạ tại khoảnh 4, tiểu khu 169, xã Vĩnh Hảo huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.
Dấu vết tại hiện trường cho thấy, "lâm tặc" ngang nhiên sử dụng máy cưa xăng với tiếng ồn lớn để cưa hạ sát gốc cây nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ lại không hay biết.
Hàng trăm cây gỗ bị chặt phá vẫn còn nằm nguyên ở hiện trường, chưa bị cắt ngọn, chưa kịp vận chuyển đi nơi khác.
“Hiện Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đang phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ làm rõ hành vi phá hoại rừng của ông Đinh Ươn. Hơn 200 gốc cây lớn chủ yếu là sao đen được xác định cưa hạ cách đây từ 20 - 30 ngày”, ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh báo cáo trong văn bản gửi UBND huyện.
162 cây sao đen và 62 cây keo bị cưa hạ đều hơn 15 năm tuổi, đường kính từ 16 - 30 cm.
Ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho hay, việc phá rừng phòng hộ trái pháp luật ở tiểu khu 169, xã Vĩnh Hảo đã được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phát hiện gần 1 tháng trước và đã có báo cáo UBND huyện.
Việc phá rừng của ông Đinh Ươn chỉ diễn ra trong 2 ngày, đến khi Ban Quản lý rừng phòng hộ phát hiện đã lập tức yêu cầu ông Đinh Ươn dừng lại. Mục đích của việc phá rừng của ông Đinh Ươn chỉ để lấy đất trồng keo.
Dù đã phát hiện và ngăn chặn nhưng số lượng cây lớn tại 11.800 m2 rừng phòng hộ đã bị phá nát.
“Tại gần khu vực phá rừng có chốt bảo vệ nhưng do địa bàn quản lý rộng nên nhân viên trực chốt, không nghe được tiếng cưa. Tuy nhiên, trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và Hạt Kiểm lâm huyện. Trước mắt, huyện đã yêu cầu các cá nhân liên quan báo cáo kiểm điểm vì để mất rừng”, ông Thông khẳng định.
Cận cảnh cây rừng bị chặt hạ.
Theo quy định của pháp luật, diện tích hơn 11.826 m2 rừng phòng hộ bị phá trái pháp luật đã vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên phải chuyển sang cơ quan công an điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, Sở đã nhận được báo cáo của kiểm lâm về việc rừng phòng hộ ở tiểu khu 169, xã Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) bị phá và đang yêu cầu xử lý, sẽ thông tin cho báo chí sau khi có kết quả.
Huyện miền núi Vĩnh Thạnh có hơn 45.454 ha rừng tự nhiên và hơn 5.378 ha rừng trồng. Đây là một trong những điểm nóng về nạn phá rừng trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Định, liên tục diễn ra, phức tạp và kéo dài.
Tháng 12/2022, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã chuyển hồ sơ lên công an điều tra vụ 138 ha đất rừng phòng hộ của 3 cha con nguyên Bí thư huyện tại Bình Định. Cụ thể, nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Đình Kim tự viết đơn, giả chữ ký, làm giúp hồ sơ xin giao đất cho 5 trường hợp và những người này đều có quan hệ họ hàng với ông Kim. Trong đó có hơn 138 ha đất rừng phòng hộ được cấp trái luật, bị gia đình nguyên Bí thư huyện "thâu tóm".
Tháng 10/2023 UBND huyện Vĩnh Thạnh đã có quyết định về việc kỷ luật đối với ông Trần Phước Phi, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh bằng hình thức Khiển trách.
Cụ thể, ông Phi bị kỷ luật vì đã có sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về phát triển rừng và sử dụng rừng, sau khi Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định có kết luận thanh tra.
Gần đây nhất vào tháng 11/2023 đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa sáng tỏ việc Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh đã trúng đấu giá khai thác hơn 25,62 ha rừng tự nhiên để xây dựng thủy điện Vĩnh Sơn 4 với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.
Mặc dù quy trình khai thác rừng tự nhiên trên theo hình thức “chặt hạ, cắt khúc”. Nhưng, ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh lại ký xác nhận vào bảng kê lâm sản cho phép Công ty Cổ phần SX-TM Vĩnh Thạnh khai thác chuyển giao cây bằng lăng còn nguyên gốc bán ra ngoài để trồng cây cảnh quan với số tiền cao hơn gấp nhiều lần.