Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quốc lộ 19 qua Bình Định tan nát, chủ đầu tư 'kêu trời chưa thấu'

(VTC News) -

Lo ngại trước thực trạng QL19 hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng hơn, chủ đầu tư đã rào chắn ngăn cản xe vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định.

Quốc lộ 19 qua Bình Định bị băm nát.

Đỉnh điểm của kiến nghị

Trước thực trạng xe thi công cao tốc Bắc Nam đoạn qua Bình Định tăng đột biến, lưu thông ngày đêm và lo ngại đường tiếp tục xuống cấp hư hỏng, hôm 17/7, Chủ đầu tư tuyến quốc lộ 19 là Công ty TNHH BOT 36.71  đã làm rào chắn xe tại vị trí đấu nối tạm thuộc Km30+885T thuộc xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn.

Điểm đấu nối tạm tại Km30+885T ra QL19 được Công ty TNHH BOT 36.71 rào chắn ngày 17/7.

Động thái trên là đỉnh điểm của hàng loạt văn bản yêu cầu, kiến nghị không thành từ phía nhà đầu tư này đối với chủ đầu tư thi công cao tốc Bắc Nam đoạn qua Bình Định (đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn) là Ban Quản lý dự án 85 thuộc Bộ Giao thông vận tải tạm dừng sử dụng tuyến đường công vụ đấu nối tạm vào quốc lộ 19 vì sợ xe vận chuyển vật liệu thi công làm hỏng đường.

Giải thích vì sao Công ty TNHH BOT 36.71 có động thái sử dụng rào chắn ngăn cản các xe vận chuyển đất phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty (doanh nghiệp dự án) cho hay: Hiện nay Ban QLDA 85 đã sử dụng tuyến đường QL19 như là đường công vụ để phục vụ thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Hàng ngày có hàng nghìn lượt xe tải nặng chở vật liệu đi từ mỏ đất TDTS27 tại Km30+885T ra QL19.

Theo ông Dũng, với lưu lượng các phương tiện vận chuyển tăng đột biến như hiện nay dẫn đến nhiều đoạn đường đã xuống cấp trầm trọng, phát sinh ổ gà, hằn lún, bong tróc mặt đường. Công ty TNHH BOT 36.71 đã rất cố gắng nhưng kinh phí công tác bảo đảm thường xuyên có hạn chế, không đủ sửa chữa hết các hư hỏng trên tuyến đường QL19.

Với lưu lượng xe vận chuyển đất phục vụ cho cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định, chúng tôi kiểm tra hiện trường, bình quân hằng ngày có 1.000 - 1.500 chuyến xe ben tải 10 - 20 m3 chạy suốt ngày đêm mà không hề qua trạm thu phí từ tháng 2/2024 đến nay”, ông Dũng bức xúc.

Lưu lượng xe ra vào giữ QL19 và mỏ đất TDTS27 mỗi ngày cả nghìn chuyến.

Được biết, vị trí trên thuộc phạm vi đấu nối đường công vụ vào QL19 để vận chuyển đất từ mỏ TDTS27 do 4 nhà thầu phục vụ thi công Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VTC News, đoạn đường từ Km17+054,51 - Km 42+00 trên quốc lộ 19 có rất nhiều mỏ khai thác vật liệu cùng với một lượng xe vận chuyển lưu thông “khủng khiếp” trên tuyến đường để vận chuyển đất, đá… một phần phục vụ cho dự án cao tốc Bắc Nam, là dự án trọng điểm quốc gia, một phần để phục vụ nhu cầu vật liệu cho việc xây dựng các dự án trọng điểm của tỉnh Bình Định.

Rất nhiều vị trí trên tuyến đường này xuất hiện ổ voi, ổ gà, thậm chí có những chỗ "chắp vá" từ trước đó bị vỡ kết cấu...mà không được khắc phục kịp thời. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp xe tải chở đất, đá chạy tốc độ nhanh trên quốc lộ 19 gây bụi mù mịt cuốn vào 2 bên đường, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông.

Mỗi ngày, đều có xe tưới nước trên đường của nhà thầu thi công mục đích giảm bụi cho người đi đường và các hộ dân sống dọc theo quốc lộ, tuy nhiên việc tưới nước duy trì không được thường xuyên, đoạn tưới đoạn không. Đồng thời, việc xả nước lênh láng đã ảnh hưởng rất lớn tới kết cấu của mặt đường.

Cung đường QL19 giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh cho các phương tiện như xe ô tô con, xe máy, xe đạp hay những người đi bộ bởi bụi và vật liệu rơi vãi từ những xe vận chuyển cho các công trình trên.

Điểm giao giữa hai địa bàn thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn, nơi có nhiều mỏ đất khai thác nhất thì đường 19 bị phá hỏng nhiều nhất.

Anh Hà Túc Du (40 tuổi) người dân sống trên QL19 thuộc phường Nhơn Hòa cho hay, đường 19 ngày xưa đẹp, trong lành bao nhiêu giờ hư hỏng và ô nhiễm môi trường bấy nhiêu vì lượng xe với khối lượng đất đá khai thác vận chuyển mỗi ngày là quá lớn.

Giờ người dân muốn di chuyển nhanh sang đường bên kia thì chỉ có buổi tối, còn ban ngày chúng tôi phải chờ mất 10 phút mới sang được đường vì lưu lượng xe công trình quá lớn, có xe chạy với tốc độ cao. Với tần suất như vậy thì đường này sẽ bị phá hỏng trong thời gian không xa, việc người dân hít bụi vì ô nhiễm giờ đây là chuyện thường ngày”, anh Hà Túc Du bức xúc nói.

Trên tuyến đường, không riêng gì các xe của nhà thầu thi công phục vụ cao tốc Bắc - Nam mà còn rất nhiều các xe vận chuyển vật liệu khác phục vụ các công trình trọng điểm của tỉnh Bình Định.

Hiện tại, theo chủ trương của Chính phủ, việc thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam ngày càng đẩy nhanh tiến độ dẫn các xe vận chuyển vật liệu sẽ còn tăng cao và việc xong đường cao tốc, nát đường dân sinh hay đường quốc lộ sẽ là hiển nhiên. Từ đó việc ô nhiễm, nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ sẽ diễn ra hằng ngày.

Quả bóng trách nhiệm "bay lơ lửng"

Đỉnh điểm của sự bức xúc dẫn đến đơn phương rào chắn từ việc, Đại diện Công ty TNHH BOT 36.71 cũng cho hay, công ty đã làm rất nhiều văn bản gửi Thủ tướng, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam Khu 3 và UBND tỉnh Bình Định và sau đó đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà  giao cho Bộ GTVT giải quyết.

Đến thời điểm hiện tại, tôi xin nhấn mạnh là đường công vụ từ mỏ đất đấu nối vào QL19, nhà đầu tư chưa hề nhận được bất cứ thỏa thuận nào từ phía Ban QLDA85 để đấu nối. Đây hoàn toàn là tự ý.

Và chúng tôi mới chỉ nhận duy nhất đúng một văn bản của Cục Đường bộ về việc kiểm tra, xử lý vướng mắc trong quản lý, khai thác dự án BOT QL19, tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, vẫn chưa hề có chỉ đạo rõ ràng và cụ thể, thời gian kéo dài, lo ngại đường QL19 hỏng nát mất”, ông Dũng nhấn mạnh.

Những vết đắp cũ trên đường QL19 lại tiếp tục bị vỡ kết cấu, xuất hiện ổ gà.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam Khu 3 giao Khu Quản lý đường bộ III chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH BOT 36.71, Ban Quản lý dự án 85, Sở GTVT Bình Định kiểm tra thực tế hiện trường, xem xét, đánh giá nguyên nhân dẫn đến hư hỏng nền, mặt đường đoạn Km17- Km42/QL.19. Trường hợp hư hỏng nền, mặt đường do các xe vận chuyển vật liệu của Ban QLDA 85 thì Ban phải có trách nhiệm thực hiện sửa chữa, khắc phục.

Nhưng theo ghi nhận ngày 26/7, vị trí rào chắn đóng đường vận chuyển đất tại vị trí Km30+885(T) do Công ty TNHH BOT 36.71 chắn trước đó đã được Ban QLDA85 chỉ đạo cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (đại diện các nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam đoạn qua Bình Định) tháo dỡ rào và tiếp tục thi công vì cho rằng Ban đang đúng theo hồ sơ thiết kế và quy định của pháp luật.

Vì lý do trước đó, nhà thầu thi công tại dự án là Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh đã được Khu Quản lý đường bộ III cấp giấy phép thi công số 157/GPTC-KQLĐBIII ngày 14/12/2023 về việc đấu nối tạm vào QL19 tại Km Km30+885T mà Chủ đầu tư tuyến quốc lộ 19 Công ty TNHH BOT 36.71 không hề hay biết.

Trong thời gian thương thảo, tìm giải pháp cùng tháo gỡ thì hành động của Công ty TNHH BOT 36.71 đã gây cản trở thi công dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án cũng như gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà thầu thi công khi dự án Hoài Nhơn - Quy Nhơn đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thành công tác nền đường trước mùa mưa lũ”, ông Vương Đình Đồng, Phó Giám đốc ban QLDA85 thông tin.

Ngoài ra, Ban QLDA 85 cũng cho rằng, đoạn tuyến QL19 có rất nhiều mỏ khoáng sản đang khai thác hoạt động và các phương tiện vận tải khác (bao gồm phương tiện vận tải cá nhân và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh) cùng lưu thông chứ không riêng gì phương tiện thi công cao tốc.

Mỏ đất TDTS27 trên địa bàn xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam đoạn qua Bình Định.

Ông Lê Phan Duy, Phó Giám đốc Khu quản lý đường bộ III cho rằng, đủ cơ sở pháp lý để thực hiện cấp phép đấu nối tạm tại vị trí nêu trên. Đối với điểm đấu nối vào quốc lộ của dự án, công trình do Bộ Giao vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam là người quyết định đầu tư hoặc chủ đầu tư, thực hiện theo thiết kế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không phải thực hiện thủ tục đấu nối vào quốc lộ.

"Các dự án đường bộ xây dựng mới, có đấu nối vào quốc lộ đã được Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt thiết kế kỹ thuật, không phải thực hiện bước đề nghị chấp thuận thiết kế kỹ thuật và phương án tổ chức giao thông", ông Lê Phan Duy cho hay.

Từ đó, mặc dù các bên có liên quan: Công ty TNHH BOT 36.71; Khu Quản lý đường bộ III; Ban Quản lý dự án 85, Sở GTVT Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc họp với thời gian kéo dài. Tuy nhiên vẫn chưa có một phương án cụ thể để giải quyết vướng mắc, khó khăn cụ thể của chủ đầu tư tuyến QL19 qua Bình Định vì phúc đáp vẫn chung chung.

Thời gian chờ đợi thương thảo quá lâu, tuyến QL19 trên Bình Định hư hại, xuống cấp hằng ngày, ảnh hưởng đến ATGT, vệ sinh môi trường và chất lượng công trình dự án.

Việc bảo trì dự án vốn đã rất khó khăn về kinh phí nay lại tiếp tục gặp khó khăn. Nếu thời gian kéo dài, chậm trễ trong việc xử lý, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng rào chắn đường công vụ tại Km30+885T đồng khởi kiện ra tòa án để giải quyết”, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 thông tin.

Trước đó tháng 9/2023, Chấp hành chủ trương của Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng cao tốc Bắc - Nam, đồng thời để đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư trong việc quản lý và khai thác sau này, nhất là thuận lợi cho đơn vị thi công các gói thầu cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định. Phía đơn vị quản lý, vận hành BOT-QL19, đoạn qua Bình Định là Công ty TNHH BOT 36.71 đề xuất hai phương án xử lý.

Phương án thứ nhất, bàn giao nguyên trạng 25 km tuyến đường Quốc lộ 19 (từ km17+054,51- km 42+00) cho chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam là Ban Quản lý dự án 85 (Ban QLDA 85) từ lúc triển khai cho đến khi kết thúc dự án, và hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu cho Công ty TNHH BOT 36.71 quản lý, khai thác. Trong thời gian thực hiện và sau khi kết thúc dự án yêu cầu chủ đầu tư cao tốc phải xử lý việc bảo trì trên đoạn tuyến từ Km17+054 - Km42.

Phương án thứ 2, chủ đầu tư dự án cao tốc đang triển khai qua dự án nghiên cứu phương án làm đường công vụ để phục vụ thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam, không đi trên tuyến BOT - Quốc lộ 19.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa hề có một phương án nào được lựa chọn. Dẫn đến suốt tuyến QL19 nhiều điểm đã bị phá nát, xuống cấp trầm trọng.

Nguyễn Gia

Tin mới