Theo đó, chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne sẽ cần phải vượt qua hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội để dự luật chính thức được thông qua, cũng như tránh được nguy cơ sụp đổ.
Trong thông cáo ngày 19/3, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết Dự luật cải cách hưu trí đã trải qua hành trình lấy ý kiến và thương lượng chính trị - xã hội kéo dài trong nhiều tháng. Dự luật cũng được thảo thuận tại Quốc hội với hơn 170 giờ và đã được Thượng viện và Hội đồng hỗn hợp Thượng viện và Quốc hội thông qua.
Chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne sẽ phải trải qua 2 cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. (Ảnh: Le Monde)
Thông cáo cũng nhấn mạnh Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định sẽ dồn toàn lực để Dự luật cải cách hưu trí được thông qua bằng con đường dân chủ.
Theo lịch trình, chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne hôm nay sẽ đối mặt với những thách thức cuối cùng đến từ hai kiến nghị bất tín nhiệm từ các lực lượng đối lập. Nếu vượt qua, dự luật cải cách hưu trí sẽ chính thức được thông qua còn trong trường hợp ngược lại, chính phủ đương nhiệm sẽ phải ra đi và Dự luật cải cách hưu trí sẽ bị đình chỉ.
Sự chú ý của dư luận Pháp hiện nay tập trung vào các nghị sĩ thuộc đảng Những người Cộng hoà (LR) cánh hữu, lực lượng có thể làm thay đổi sự cân bằng chính trị tương đối trong Quốc hội Pháp. Kể từ nhiều ngày qua, nơi ở của nhiều nghị sĩ ủng hộ cải cách hưu trí, nhất là các thành viên thuộc đảng LR, trở thành mục tiêu tấn công của người biểu tình.
Phát biểu trên truyền hình, Chủ tịch Quốc hội Pháp bà Yaël Braun-Pivet bày tỏ lo ngại vấn đề an ninh và nền dân chủ Pháp: “Xu hướng bạo lực nhắm vào các nghị sĩ ngày càng tăng, nhiều người đã bị doạ giết hoặc thiếu đi sự bảo vệ an ninh. Vấn đề này diễn ra đặc biệt trầm trọng trong những ngày gần đây và điều này cho thấy nền dân chủ của chúng ta đang không thực sự ổn”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự kiến sẽ sớm có bài phát biểu vào đầu tuần này để xoa dịu mâu thuẫn chính trị và leo thang căng thẳng xã hội có xu hướng bạo lực trên toàn nước Pháp liên quan đến Dự luật cải cách hưu trí.
Trong khi đó, các hoạt động biểu tình, đình công kéo dài phản đối Dự luật cải cách hưu trí của chính phủ tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố lớn của Pháp. Đáng chú ý, tại thủ đô Paris, hàng nghìn người biểu tình tập trung tại các con phố trung tâm trong đêm thứ 4 liên tiếp, trong khi thành phố vẫn ngập trong rác thải sinh hoạt do hoạt động đình công và phong toả các cơ sở thu gom và thiêu huỷ rác.
Các nghiệp đoàn thông báo ngày 23/3 tới sẽ là ngày hành động quốc gia với các cuộc tuần hành và đình công lớn trong mọi ngành nghề lao động tại Pháp.