Sau khi Thủ tướng Elisabeth Borne quyết định vận dụng điều 49.3 trong Hiến pháp để thông qua mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.
Bầu không khí căng thẳng bao trùm nước Pháp trong ngày 17/3 sau khi Thủ tướng Elisabeth Borne lần thứ 11 kể từ khi nắm quyền tháng 6/2022 đã tuyên bố sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp để áp đặt thông qua Dự luật cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.
Thủ đô Paris, đặc biệt là quảng trường Concorde nổi tiếng đã trở thành tâm điểm chú ý của người dân Pháp. Nhiều chướng ngại vật đã được dựng lên bên cạnh pháo sáng, đạn khói và các vụ va chạm giữa đám đông biểu tình với lực lượng cảnh sát.
Biểu tình bạo động tại Pairs, Pháp, để phản đối cải cách hưu trí. (Ảnh: Le Monde)
Bộ Nội vụ Pháp cho biết khoảng 1.600 đối tượng cực đoan đã trà trộn và kích động đám đông biểu tình, buộc cảnh sát phải tạm giữ gần 300 đối tượng quá khích và tiến hành thẩm vấn hơn 60 trường hợp. Đến tối muộn ngày hôm qua, cảnh sát mới giải tán được đám đông biểu tình và bầu không khí tạm thời lắng dịu trở lại tại quảng trường nổi tiếng này.
Tuy nhiên, thủ đô Paris hiện vẫn ngập trong rác thải sinh hoạt. Ước tính hiện có hơn 10.000 tấn rác vẫn chưa được thu gom do các cuộc đình công của nhân viên môi trường kéo dài từ hơn 1 tuần qua.
Tại các thành phố lớn khác của Pháp, các cuộc tuần hành tự phát đã đồng loạt diễn ra, nhất là tại Bordeaux, Strasbourg hay Lille khi lực lượng chống bạo động phải sử dụng đến đạn khói và hơi cay để giải tán.
Các nghiệp đoàn lao động Pháp tiếp tục kêu gọi kéo dài cuộc đình công trong nhiều lĩnh vực ngành nghề từ hàng không, đường sắt, cảng biển, năng lượng, lọc dầu, điện, môi trường… và chuẩn bị cho một cuộc tổng đình công và tuần hành lớn thứ 9 trên toàn quốc vào ngày 23/3 tới.
Tại nghị trường, đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) cho biết đã gửi kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ và ủng hộ tất cả các kiến nghị có thể khiến chính phủ đương nhiệm sụp đổ. Một kiến nghị bất tín nhiệm khác cũng được Nhóm các nghị sĩ độc lập trình lên Quốc hội.
Nghị sĩ độc lập Bertrand Pancher cho biết kiến nghị này đã nhận được sự ủng hộ Liên minh cánh tả và cực tả (NUPES) và kêu gọi các nghị sĩ đảng Những người Cộng hoà (LR) cánh hữu hưởng ứng.
“Để kiến nghị bất tín nhiệm có ý nghĩa, cần phải có các lá phiếu của các nghị sĩ thuộc đảng những người Cộng hoà (LR) cũng phản đối dự luật cải cách hưu trí. Nếu kiến nghị bất tín nhiệm được thông qua thì dự luật này sẽ bị bác bỏ. Tôi kêu gọi các nghị sĩ đảng Những người cộng hoà hãy tham gia cùng chúng tôi”.
Theo lịch trình, Quốc hội Pháp sẽ biểu quyết đối với hai kiến nghị bất tín nhiệm trên vào chiều thứ Hai, ngày 20/2 tới.