Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quạt không cánh có thực sự không cánh?

(VTC News) -

Quạt không cánh được ưa chuộng vì an toàn, thời thượng; nhưng rất nhiều người thắc mắc, không cánh thì sao lại tạo ra gió, và quạt không cánh có thực sự không cánh?

Quạt không cánh là loại quạt điện được thiết kế theo dạng khí động học nhằm tạo ra luồng gió chuyển động êm mà hầu như không gây ra âm thanh ồn ào như quạt điện thông thường. 

Quạt không cánh có thực sự không cánh?

Nghe tên gọi đặc biệt "quạt không cánh", nhiều người nhầm tưởng đây là thiết bị có thể tạo ra luồng gió mà không cần cánh quạt. Tuy nhiên, sự thật là nó vẫn có cánh quạt, chỉ đơn giản là người dùng không nhìn thấy chúng.

Cánh quạt thường được giấu ở phần đế, giúp hút không khí qua các lỗ trên bề mặt xung quanh. Cơ chế quay của quạt không cánh tương tự quạt thông thường với động cơ đặt dưới, thường là áp dụng công nghệ không chổi than.

Luồng không khí sau đó được dẫn lên thân trên của quạt, đẩy ra ngoài qua khe xung quanh vành.

Quạt không cánh có thực sự không cánh? Thật ra cánh quạt được giấu trong chân đế sản phẩm. (Ảnh: Wikihow)

Quạt không cánh gồm 2 bộ phận chính:

- Đế quạt: Gồm động cơ làm mát có chứa cánh quạt.

- Vành khuyên: Là khu vực tỏa ra luồng gió, có dạng hình bầu dục hoặc hình tròn. Bề mặt vành khuyên thường được thiết kế với độ cong khoảng 16 độ. 

Quạt không cánh hoạt động theo nguyên lý khí động học, nghĩa là luồng khí sẽ di chuyển từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp để tạo thành luồng gió làm mát.

Cụ thể, khi cấp điện vào thiết bị, động cơ (khoảng 40W) bên trong phần đế quạt sẽ hoạt động với tốc độ cao để hút khí vào bên trong. Sau đó, luồng khí sẽ được thổi qua phần khe hẹp (rộng khoảng 1,3mm) nằm trên vành khuyên.

Vành khuyên thường được thiết kế có độ cong 16 độ làm cho luồng khí được thổi qua khe hẹp cũng có độ nghiêng 16 độ. Quá trình này còn làm cho khu vực phía trước vành bị giảm áp suất, đồng thời làm cho khối không khí ở phía sau vành khuyên bị hút mạnh với lưu lượng lớn hơn 15 lần so với lưu lượng mà động cơ hút khí vào bên trong.

Quạt không cánh có thiết kế tối giản, hiện đại. (Ảnh: Kinmore)

Ưu điểm và nhược điểm của quạt không cánh

Thắc mắc "quạt không cánh có thực sự không cánh?" đã được giải đáp, vậy loại quạt này có những ưu và nhược điểm gì? 

Ưu điểm

  • Quạt không cánh có kiểu dáng mới mẻ, sang trọng và bắt mắt hơn so với quạt có cánh truyền thống. Ngoài ra, với thiết kế nhỏ gọn, loại quạt này không gây tốn diện tích so với thiết kế đã quá quen thuộc của quạt điện truyền thống.
  • Quạt không cánh có mức độ an toàn gần như tuyệt đối. Do cánh quạt được giấu bên trong chân đế nên thiết kế bên ngoài không có cánh quạt quay, giảm thiểu các sự cố khi quạt hoạt động, phù hợp với gia đình có trẻ nhỏ.
  • Do góc quay rộng, một số mẫu có thể quay đến 270 độ, đảm bảo khả năng làm mát cho không gian rộng. Luồng gió mạnh, ổn định và quạt không phát ra âm thanh khi hoạt động.
  • Giảm bớt thao tác vệ sinh do không sử dụng cánh quạt để tạo gió.
  • Kết nối thông minh, có thể dễ dàng điều khiển thông qua phần mềm trên điện thoại di động, máy tính bảng; tích hợp nhiều chức năng như hẹn giờ, đèn, sưởi, lọc không khí…

Nhược điểm

  • Về khả năng làm mát, quạt truyền thống có ưu thế hơn so với quạt không cánh. Quạt không cánh chỉ tạo ra luồng gió mát rất nhẹ nên sẽ khó có thể so với quạt truyền thống bật số lớn nhất. Nếu bạn sử dụng màn khi ngủ thì khi bật quạt không cánh, gió nhẹ sẽ bị màn cản lại, người nằm trong màn có thể không cảm thấy mát.
  • Do có cấu tạo phức tạp, người dùng thường phải đưa quạt đến các trung tâm bảo hành để kiểm tra, sửa chữa khi quạt gặp sự cố. Linh kiện thay thế cũng khó tìm hơn quạt truyền thống.
  • Giá sản phẩm và các phụ kiện thay thế cao hơn so với quạt có cánh truyền thống, dao động từ khoảng 400 nghìn đồng đến 21 triệu đồng. 
Mai Linh (Tổng hợp)

Tin mới