Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Quân nhân 32 năm đi kiện: Lấy vợ không được đăng ký, đẻ con không được khai sinh

(VTC News) -

Do việc khiếu kiện không được giải quyết nên 32 năm ông Lợi không có những quyền công dân cơ bản, lấy vợ không được đăng ký, con sinh ra không làm được khai sinh.

Vụ việc cựu quân nhân Nguyễn Ngọc Lợi (SN 1953, quê Phú Thọ) ròng rã hơn 32 năm "cõng đơn" đi đòi quyền lợi vừa được Thanh tra Chính phủ "giải oan" đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội.

Ông Lợi là cựu quân nhân thuộc diện cán bộ đi B sau giải phóng miền Nam, được điều động về Ban Tổ chức tỉnh Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ), rồi được điều động đến học tại Phân hiệu Đại học Y khoa miền núi (nay là Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên).

Năm 1988, ông Lợi tốt nghiệp nhưng không được công nhận do việc bàn giao hồ sơ của trường với Sở Y tế Vĩnh Phú thực hiện chưa đúng. Do đó, ông Lợi không được phân công công tác, không thể xin được việc làm chính thức và không được hưởng chính sách, chế độ theo quy định.

Từ năm 1990 đến 2019, ông làm đơn gửi đến các Bộ, Sở có trách nhiệm liên quan nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Chia sẻ với báo chí, người cựu quân nhân cho hay, ông theo đuổi vụ việc này 37 năm, từ khi ông còn là thanh niên cho tới tuổi già. Trong suốt khoảng thời gian đó, ông từng gặp nhiều khó khăn khi không có hộ khẩu, không có hồ sơ, không được thực hiện những quyền công dân rất cơ bản; khó tiếp cận dịch vụ công ích xã hội vì thiếu hồ sơ; thậm chí đang là cán bộ công nhân viên bỗng bị loại ra ngoài.

"Tôi không có hồ sơ gốc, không được công nhận là bộ đội, không phải công dân vì khi Chứng minh nhân dân hết hạn thì không được đăng ký lại vì không có hộ khẩu. Lấy vợ không được đăng ký vì không có cơ quan nào xác nhận. Con sinh ra không được khai sinh", ông Nguyễn Ngọc Lợi chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi chia sẻ suốt nhiều năm ông không được thực hiện những quyền công dân cơ bản, lấy vợ không được đăng ký, con sinh ra không được làm giấy khai sinh".

Ông cho biết, suốt thời gian dài ông không được tiếp cận với dịch vụ công ích của xã hội. Vì ông không có chứng minh thư nhân dân nên không được đi tàu, vào nhà hàng, khách sạn họ không cho ở, tìm việc làm cũng rất khó.

"Cũng may tôi là một quân nhân, từng hoạt động với nhiều cán bộ có công với cách mạng nên họ đứng ra bảo lãnh và tôi mới được cư ngụ lại ngôi nhà cũ ở Hà Nội và đi làm. Dù đi làm tôi cũng chỉ được ký hợp đồng khoán việc, chứ không được ký hợp đồng lao động, bởi tôi không có hộ khẩu và chứng minh thư nhân dân", ông Lợi chia sẻ.

Ông cũng kể có thời gian ông đi viết báo và khám chữa bệnh thuê cho một số bác sĩ để có tiền nuôi mẹ già, chị gái tàn tật, nuôi con cái ăn học. Tuy nhiên, đi làm báo ông chỉ được hưởng nhuận bút, không được ký biên chế, còn đến bệnh viện làm việc lại chỉ được hưởng lương khoán việc.

Bên cạnh đó, ông cũng may mắn khi có anh em đơn vị cũ đóng góp giúp đỡ, ông dùng vốn đó để làm một số việc khác mưu sinh từ đó tới nay.

Khoảng thời gian 32 năm là quá dài, nhiều người lâm vào cảnh này đều rơi vào trạng thái bất mãn, ở ẩn. Nhưng với người cựu quân nhân này, ông vẫn luôn tin tưởng Đảng, Nhà nước chắc chắn không bỏ rơi mình.

"Tôi thấy thằng vụ việc của tôi là một vụ rất khó, bởi nó kéo dài qua nhiều năm và có nhiều cơ quan vào cuộc giải quyết nhưng không giải quyết được. Quy mô vụ việc cũng rất lớn vì liên quan đến nhiều bộ, ban, ngành.

Trong vụ việc của tôi có góc khuất, thuộc về lịch sử. Trường có văn bản chuyển về tỉnh Vĩnh Phú, sau đó tỉnh Vĩnh Phú chia tách thành tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thì bộ hồ sơ bị mất nên không có cơ sở giải quyết. Đã 3 Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng có ý kiến, chỉ đạo giúp đỡ nhưng vẫn không tìm được hồ sơ gốc.

May mắn nhờ Thanh tra Chính phủ vào cuộc nên đã tìm được hồ sơ gốc của tôi đang ở Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên, đó là điều cơ bản nhất để giải quyết chế độ chính sách cho tôi", ông Lợi chia sẻ.

Cầm quyết định giải quyết vụ khiếu kiện trên tay, ông Lợi phấn khởi khi được trả lại chính cái tên của mình, quyền lợi về vật chất được phục hồi. "Bây giờ tôi được nhập hộ khẩu, biên chế lại, được khẳng định, đưa vào danh sách người có công, tôi cảm thấy đây là một cuộc hồi sinh", cựu quân nhân 32 năm đi đòi quyền lợi vui mừng nói.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi chụp ảnh cùng ông Nguyễn Mạnh Cường, Tổ trưởng tổ kiểm tra của Thanh tra Chính phủ tại buổi công bố kết luận. (Ảnh: Ông Lợi cung cấp)

Ông Lợi cho rằng, vụ việc của ông chỉ là giọt nước nhưng giải quyết vụ việc này sẽ tạo ra tiền lệ để giải quyết các vụ việc khác. Bao nhiêu đơn thư đùn đẩy từ cấp dưới lên cấp Trung ương chính là do cán bộ cấp dưới tắc trách. Thanh tra Chính phủ đã mở một con đường, làm một mô hình rất mô phạm trong việc giải quyết vụ việc của ông.

"Trong 32 năm qua, nhiều cơ quan giải quyết việc của tôi không xong nhưng sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì giải quyết 15 ngày tới 1 tháng đã xong.

Đoàn xác minh vụ việc của Thanh tra Chính phủ đã hiểu được khát vọng giải oan của tôi. Đây là bài học lớn để các cơ quan liên quan, tạo tiền lệ không để hiện tượng oan sai như tôi tiếp tục xảy ra", ông Lợi nói.

Là Tổ trưởng tổ rà soát lại vụ việc kéo dài 32 năm của ông Nguyễn Ngọc Lợi, ông Nguyễn Mạnh Cường (Thanh tra viên cao cấp, Vụ III - Thanh tra Chính phủ) cho rằng, đây là vụ việc phức tạp kéo dài, qua nhiều cấp giải quyết. Qua nội dung thông báo rà soát lại về vụ việc của Thanh tra Chính phủ thấy rõ ràng có dấu hiệu ông Nguyễn Ngọc Lợi bị trù dập.

"Có thể thấy Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên báo cáo Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế là hồ sơ của ông Lợi đã chuyển về Phú Thọ rồi, đến năm 2013 cũng báo cáo như vậy. Nhưng khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì tất cả hồ sơ gốc của ông Lợi đều có đầy đủ ở trường này, chỉ có giấy tờ trả lương là thất lạc.

Quá trình giải quyết, Thanh tra Chính phủ không đi vào quan hệ cá nhân của ông Lợi với trường này vì đấy không phải mục tiêu chính, nhưng rõ ràng trong việc bàn giao hồ sơ tài liệu, cách thức bàn giao hồ sơ tài liệu có vấn đề.

Lúc đầu trường bảo không có hồ sơ, nhưng sau đó Thanh tra Chính phủ tìm được rất nhiều hồ sơ của ông ấy", Tổ trưởng Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ cho hay.

Theo ông Cường, khi giải quyết vụ việc này, tổ công tác của ông thấy một điểm rất lạ là vụ cơ quan có thẩm quyền quyết định ông Lợi là cán bộ đi B, là quân nhân, mà việc này tất cả các cơ quan đều biết, Trường Đại học Y-Dược (Đại học Thái Nguyên) biết, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều biết nhưng lại không giải quyết. Đi sâu tìm hiểu thì được biết việc không giải quyết do yếu tố chủ quan là chính.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, qua nội dung thông báo rà soát lại về vụ việc của Thanh tra Chính phủ thấy rõ ràng có dấu hiệu ông Nguyễn Ngọc Lợi bị trù dập.

Sau khi rà soát lại vụ việc, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo và Thủ tướng kết luận đồng ý với tất cả kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, đồng thời giao các bộ ngành liên quan thực hiện kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 31/3/2021.

"Đây là kết luận cuối cùng buộc các bộ ngành phải thực hiện. Những kiến nghị đều có cơ sở, đảm bảo tính khả thi và những kiến nghị trong việc này đều thực hiện được.

Trong kiến nghị nêu rất rõ ràng, khôi phục các chế độ, đền bù một số chế độ chính đáng, làm chính sách người có công, nhà đất cho ông Nguyễn Ngọc Lợi và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan", ông Cường nói.

Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ giám sát chặt việc xử lý trách nhiệm của từng cá nhân liên quan dẫn tới vụ việc khiếu kiện lịch sử này.

Qua vụ việc này, ông Cường cho rằng, các cơ quan thanh tra nói chung và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính phải giải quyết ngay các khiếu nại tại cơ sở, tránh để kéo dài nhiều năm, gây thiệt thòi cho những người bị tác động, ảnh hưởng lớn đến giải quyết chế độ chính sách nhằm ổn định xã hội.

"Thanh tra Chính phủ vừa rồi đã tổng kết, rà soát có tới trên 500 vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài. Qua vụ việc của ông Lợi có thể thấy rằng việc giải quyết khiếu nại tố cáo làm nhanh là có thể làm được. Không thể chậm được nữa!", ông Cường nhấn mạnh.

Tùng Lâm

Tin mới