Nhận định này được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra tại phiên họp thứ 2 của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng, diễn ra sáng 16/10.
Nêu rõ mục tiêu "làm sạch" cơ sở dữ liệu về TTHC và để tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm khác về cải cách TTHC, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát, bãi bỏ ngay những TTHC không phát sinh hồ sơ trong 3 năm qua.
Ông Trần Lưu Quang quán triệt nguyên tắc khi rà soát, xây dựng quy trình, thủ tục mới phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân, doanh nghiệp bởi những đối tượng này là trung tâm của nỗ lực cải cách TTHC.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM).
Việc công khai, minh bạch, theo Phó Thủ tướng, nhằm tránh phát sinh những quy trình, thủ tục chưa hoàn chỉnh, khó áp dụng trong thực tiễn, không đáp ứng được mong muốn và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp và khi phải sửa đổi thì tốn nhiều thời gian, công sức.
Đặc biệt, nếu phải xin ý kiến trong quá trình xử lý các TTHC trên môi trường điện tử, cần thực hiện việc xin ý kiến trực tuyến, hướng tới chấm dứt việc xin ý kiến bằng văn bản như hiện nay. Theo Phó Thủ tướng, việc xin ý kiến bằng văn bản làm mất nhiều thời gian, dễ gây ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Với trường hợp phải cập nhật dữ liệu trên nhiều hệ thống, Phó Thủ tướng yêu cầu bảo đảm các hệ thống của các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu phải được kết nối, liên thông và chia sẻ được với nhau. Đồng thời chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ công trực tuyến và tỉ lệ cơ sở dữ liệu có thể tái sinh (hiện mới chỉ đạt 3%).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các Bộ, ngành, địa phương phải nêu cao vai trò của người đứng đầu bởi chỉ ở đâu người đứng đầu quan tâm đến công tác cải cách TTHC thì ở nơi đó mới có kết quả tốt, tích cực và ngược lại, không thể có "đáp số khác".
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, trong điều kiện riêng của mình, mỗi Bộ, ngành, địa phương cần có sự linh hoạt khi sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ cải cách TTHC vì thời gian và nguồn lực có hạn, không thể cùng lúc làm tất cả mọi việc được.
Để giải quyết ngay tình trạng thiếu nhân lực thực hiện cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, theo ông Trần Lưu Quang, các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện điều động, biệt phái cán bộ có đạo đức, trách nhiệm, đủ năng lực để triển khai, trên nguyên tắc không làm phát sinh thêm biên chế.
Phó Thủ tướng nhất trí với ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp vừa nhỏ về sự cần thiết phải quy trách nhiệm của cán bộ và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, đồng thời nêu rõ vấn đề này đã được chỉ ra trong nghị quyết của Đảng và sẽ từng bước được thực hiện theo đúng tinh thần của nghị quyết.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng xác định cải cách TTHC là một trong những giải pháp quan trọng tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp…
Đây là nhiệm vụ khó khăn vì phải thay đổi thói quen và không phải sự minh bạch lúc nào cũng được ủng hộ, nhưng không có cách nào khác là phải cố gắng thay đổi để vượt khó, trước hết là thay đổi trong cách tiếp cận, cách ứng xử.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP).
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động báo cáo với tổ công tác những bất cập trong quá trình triển khai để kịp thời có định hướng xử lý, tháo gỡ.
Đối với cơ sở dữ liệu về đất đai và cơ sở dữ liệu về người có công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh về nguyên tắc phải xây dựng hai cơ sở dữ liệu tập trung thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị mới về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó nêu rõ nhiệm vụ cụ thể, thời hạn hoàn thành nhiệm vụ của từng bộ, ngành, và địa phương.
Theo báo cáo của Tổ công tác, 100% các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung đổi mới việc thực hiện TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, 67/76 Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch số hóa kết quả giải quyết TTHC đang có hiệu lực, chiếm 88,2%; 100% cơ quan, đơn vị quan tâm nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết TTHC, trong đó 37/76 cơ quan, đơn vị đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo hướng dẫn.
Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có sự cải thiện rõ rệt, trong đó 9 tháng đầu năm, tỷ lệ số hóa hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các Bộ, ngành đạt 24,48%, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2022; của các địa phương đạt 38,94%, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Về kết quả thực hiện Đề án 06, có 15 Bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; 24 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử.