Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay 4/11, nói về tác động của chính sách tiền tệ, việc giảm lãi suất điều hành đối với mặt bằng lãi suất chung, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, với mức giảm 2%.
Ở các ngân hàng thương mại, đến cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023, lãi suất đã giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, cân nhắc khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước trước tác động kép, để đảm bảo mục tiêu lạm phát dưới 4,5%, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN chỉ kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm 1-1,5%. Thế nhưng đến nay mức giảm lãi suất đã vượt hơn kỳ vọng.
"Hồi đầu năm, chúng tôi đặt mục tiêu, kỳ vọng rằng cuối năm nay có thể đạt được mức lãi suất cho vay giảm trung bình của các ngân hàng thương mại là khoảng từ 1-1,5%.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mức lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới tại các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 2-2,2%, vượt hơn kỳ vọng của chúng tôi”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/11. (Ảnh: Chính phủ)
Theo ông Tú, việc giảm lãi suất điều hành ở ngân hàng nhà nước cũng như giảm lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại nhằm giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn với mức lãi suất thấp vì lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay sẽ giảm theo. Từ đó giúp thúc đẩy phục hồi, phát triển nền kinh tế xã hội.
Thống kê của NHNN ở thời điểm hiện tại cho thấy việc điều hành lãi suất đã đạt được hiệu quả mục tiêu nhất định. Tuy nhiên, đối với các khoản vay trước đây thì lãi suất vẫn còn neo cao, do khi các ngân hàng huy động với mức lãi suất cao thì cho vay với mức lãi suất cao để đảm bảo hài hòa phương án tài chính cho các ngân hàng thương mại.
“Chúng tôi đã đề nghị các ngân hàng thương mại bằng mọi biện pháp tiết giảm lãi suất cho vay kể cả đối với các khoản cho vay trước đây để đảm bảo hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Tú nhấn mạnh.
Vị Phó Thống đốc cho biết thêm, vào chiều 27/10 vừa qua đã diễn ra hội nghị toàn ngành với 35 ngân hàng thương mại lớn, chiếm tỷ trọng chính trong cho vay của cả nền kinh tế và đã chỉ rõ ngân hàng nào lãi suất còn cao, ngân hàng nào lãi suất đã thấp để những ngân hàng còn mức lãi suất cao tìm biện pháp giảm lãi suất hỗ trợ cho nền kinh tế.