Các chuyên gia Philippines phát hiện i-ốt 129 tại một số rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển phía đông Philippines. Trong đó, nơi có nồng độ phóng xạ cao nhất nằm gần khu vực đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khu vực này hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và cải tạo trái phép.
Các nhà khoa học Philippines cho biết i-ốt 129 là sản phẩm của quá trình phân rã hạt nhân. Điển hình là từ các vụ thử hạt nhân, sự cố hạt nhân hoặc quá trình tái xử lý năng lượng hạt nhân.
Các chuyên gia Philippines phát hiện i-ốt 129 tại một số rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và vùng biển phía đông Philippines.
Hiện tượng nồng độ phóng xạ bất thường tại Biển Đông đã được báo cáo tại hội nghị trực tuyến của Mạng lưới các cơ quan quản lý năng lượng hạt nhân ASEAN diễn ra tuần trước. Quan chức một số nước ASEAN đã "rất quan ngại" trước hiện tượng này.
Ông Carlo Arcilla, giám đốc viện nghiên cứu hạt nhân Philippines, cho biết nguyên nhân của hiện tượng này chưa được xác định. Ông cũng nói thêm rằng nguyên nhân có thể sáng tỏ trong vài tuần tới.
Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ khẳng định đa số i-ốt 129 trong môi trường tự nhiên được tạo ra từ quá trình thử vũ khí hạt nhân. Các nhà khoa học Philippines cho biết có khả năng đang các hoạt động hạt nhân tại khu vực phát hiện phóng xạ, nhưng cũng không loại trừ trường hợp I-ốt 129 được các dòng hải lưu từ nơi khác đưa tới Biển Đông.
Một chuyên gia của Singapore nhận định nếu phóng xạ bắt nguồn từ tàu ngầm hạt nhân, sẽ rất dễ xác định thủ phạm vì có rất ít nước trên thế giới sở hữu loại tàu này.
Tháng 11/2019, truyền thông Đông Nam Á chấn động bởi tin một tàu ngầm hạt nhân phát nổ trên Biển Đông. Tuy nhiên thông tin sau đó được kiểm chứng là giả, bởi đây là khu vực luôn được theo dõi địa chấn và một vụ nổ như thế không thể che giấu mà sẽ được khám phá ngay lập tức.