Hôm 2/2, Mỹ và Philippines công bố thỏa thuận để Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Philippines. Thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ nữa ở Philippines và khẳng định vai trò của quốc gia Đông Nam Á như một đối tác chiến lược quan trọng của Washington.
Thỏa thuận được công bố khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III đang ở Philippines, trong chuyến công du bắt đầu từ 31/1. Như vậy, cùng với các thỏa thuận sẵn có, thỏa thuận mới sẽ cho phép Washington bố trí các thiết bị quân sự và luân chuyển quân đội của mình tới tổng cộng 9 căn cứ quân sự do Philippines kiểm soát.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III.
Trước đó, phía Mỹ cho rằng, việc mở rộng quyền tiếp cận này “có thể cung cấp cho các lực lượng Mỹ vị trí chiến lược để từ đó triển khai quân hoạt động trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan hoặc Biển Đông".
Ba thập kỷ trước, sự hiện diện của Mỹ tại Philippines là một vấn đề nhức nhối. Năm 1992, Mỹ phải đóng cửa căn cứ cuối cùng của Mỹ tại Philippines sau các cuộc biểu tình và quyết định của Thượng viện Philippines về việc chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ.
Theo New York Times, tính toán giờ đây dường như thay đổi do sự gia tăng hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Mỹ cũng đang tăng cường sự hiện diện của mình tại Philippines, đồng minh hiệp ước lâu đời nhất của họ ở châu Á, sau thời gian các mối quan hệ xấu đi trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, kết thúc vào năm ngoái.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 6/2022, Tổng thống Ferdinand E. Marcos đã tìm cách khôi phục mối quan hệ, nói rằng ông “không thể nhìn thấy một Philippines trong tương lai không có Mỹ là đối tác”.