Dòng tin nhắn duy nhất của cha
Bố mất được năm rưỡi, Nguyễn Thuý Phương (SN 1992, Cà Mau) chịu đau, xăm lên cổ tay dòng chữ bé xíu: “Nho gai ut qua” (Nhớ gái út quá). Đó là dòng tin nhắn đầu tiên và cũng là duy nhất mà Phương nhận được từ người cha quá cố của mình.
Phương nhận dòng tin nhắn này khi cô vừa về nhà chồng. Lúc ấy, cô chưa phát hiện cha của mình lâm trọng bệnh. Cô gái chia sẻ: “Tôi đi lấy chồng một thời gian thì phát hiện ba mắc ung thư phổi. Mấy chị em tôi đều biết nhưng không cho ba má hay".
Khi biết cha bệnh, Phương xin thôi việc để có thời gian bên cạnh chăm sóc ông nhiều hơn. Có lẽ vì thời gian bên cha quá nhiều, có quá nhiều kỷ niệm nên đến tận bây giờ, Phương vẫn chưa chấp nhận được sự thật là ông đã ra đi.
Bây giờ, với Phương dòng tin nhắn ngắn gọn nhưng chất chứa tình yêu thương ấy là kỷ vật vô giá. Cô muốn lưu giữ nó bên mình suốt cuộc đời này. Thế nên, cô xăm nó lên cổ tay, biến nó thành một phần cơ thể của mình.
Phương xăm dòng tin nhắn duy nhất của cha lên cổ tay của mình như một cách tưởng nhớ người quá cố. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Phương chia sẻ: “Đó là tin nhắn ba tự tay viết cho tôi. Tôi tưởng tượng được vẻ mặt ba lúc đó. Ba lớn tuổi rồi, nhắn 1 tin nhắn như vậy lâu lắm. Tôi hình dung được cảnh ba vừa nheo 2 mắt vừa nhắn cho mình. Đó là tất cả tình thương, nỗi nhớ ba dành cho tôi".
“Một năm rưỡi sau khi ba mất, tôi xăm dòng tin nhắn ấy lên tay vì sợ một ngày nào đó điện thoại hỏng, tin nhắn ấy mất đi. Tôi cũng sợ sẽ quên đi tin nhắn duy nhất của ba gửi cho mình. Tôi xăm tin nhắn của ba vì muốn cả đời tự nhắc mình rằng ba vẫn bên tôi, yêu thương tôi”.
Ngày xăm những dòng chữ ấy, Phương rưng rưng nước mắt. Cô khóc vì nhớ thương người quá cố, vì phải chịu đựng nỗi mất mát không thể bù đắp, xóa nhòa.
“Người ta thường nói, thời gian sẽ làm nguôi ngoai tất cả. Nhưng với tôi, càng ngày tôi càng thấm thía nỗi đau mất ba”, Phương chia sẻ thêm.
Cùng hoàn cảnh, Nguyễn Hữu Trung Nam (SN 1996, TP.HCM) cũng xăm lời nhắn cuối cùng của mẹ lên cánh tay sau khi bà qua đời vì ung thư. Tám năm trước, Nam mất ba. Mẹ Nam không đi bước nữa mà ở vậy nuôi 2 đứa con.
Tháng 6/2020, mẹ Nam phát hiện mình mắc bệnh ung thư tụy giai đoạn cuối. Đầu năm 2021, bà sống những tháng ngày cuối cùng của mình. Nam kể: “Lúc ấy, tôi thấy mẹ yếu đi nhiều nên hỏi: "Mẹ có muốn viết gì cho con không? Nếu muốn mẹ cứ viết nha”. Sau đó, tôi cũng không để ý đến chuyện này nữa.
Ít lâu sau ngày mẹ mất, tôi sắp xếp lại đồ đạc của mẹ thì nhìn thấy dòng chữ: “Dù cuộc sống có thế nào thì cũng phải sống tốt, và cố lên các con nhé. Mẹ” trong một cuốn sổ tay. Tôi muốn xăm nó như một lời nhắc nhở bản thân phải luôn sống tốt, cũng như một nguồn động lực rằng ở đâu đó, mẹ vẫn dõi theo mình”.
Nam xăm lời dặn của mẹ trước lúc ra đi lên cánh tay để tự nhắc nhở mình cố gắng vươn lên trong cuộc sống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Kết nối tình yêu thương
Nam thanh niên nói đây là hình xăm ý nghĩa nhất và sẽ theo mình đến hết cuộc đời. Thỉnh thoảng, những lúc cảm thấy buồn, bế tắc trong cuộc sống, Nam lại nhìn vào hình xăm, đọc những lời dặn dò của mẹ để vững tâm, tạo động lực vươn lên.
Không như Thúy Phương, Trung Nam, Trần Diệu Tú Anh vẫn còn mẹ. Thế nhưng, Tú Anh vẫn quyết định xăm lên cánh tay đoạn nhắn gửi của mẹ có nội dung: “Mẹ thực sự ko (không) bao giờ muốn xa con. Học xong đi làm ở gằn (gần) có mẹ có con. Nghe mẹ nhé”.
Tú Anh xăm đoạn tin nhắn này bởi đây là câu nói tình cảm đầu tiên của mẹ dành cho mình. Trước đó, Tú Anh chưa bao giờ thấy mẹ thể hiện tình cảm bằng lời nói.
Cô gái ra đời khi mẹ đã 38 tuổi. Cách biệt tuổi tác khiến Tú Anh và mẹ không tìm được tiếng nói chung. Ở tuổi dậy thì, Tú Anh bắt đầu nổi loạn. Dù đã cố gắng hiểu nhau nhưng Tú Anh và mẹ vẫn thường xuyên mâu thuẫn.
Tin nhắn đã gắn kết tình cảm giữa Tú Anh và mẹ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tú Anh kể: “Vì muốn tôi tốt hơn nên mẹ rất nghiêm khắc, có lúc còn khó tính nữa. Đó là những lý do khiến tôi và mẹ hiếm khi bày tỏ tình cảm bằng lời nói với nhau. Năm lớp 12, bệnh trầm cảm của tôi nặng hơn. Có lúc, tôi cắt tóc, cạo trọc đầu.
Tôi nhận được tin nhắn trên từ mẹ khi đã chuẩn bị gần xong việc xuất ngoại sang Italia. Tin nhắn khiến tôi cảm thấy đó là dấu hiệu mà mẹ đã nhận ra rằng cách giao tiếp của mẹ với tôi xưa nay chưa hợp lý. Tôi biết mẹ đã chọn cách thay đổi, cũng như tôi đã thay đổi”.
Nhận tin nhắn, Tú Anh quyết định hủy chuyến đi. Cô muốn ở lại bên mẹ. Quyết định ấy của cô gái vấp phải nhiều lời chê cười. Tuy vậy, Tú Anh hạnh phúc với lựa chọn của mình. Bởi, ở bên mẹ luôn là ưu tiên số một của cô.
Tú Anh chọn xăm câu nói tình cảm đầu tiên của mẹ lên cánh tay trái bởi phía ấy cũng là nơi trái tim ngự trị. Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, Tú Anh lại nhìn hình xăm để nhắc bản thân rằng dù có gì xảy ra thì mẹ vẫn ủng hộ, yêu thương mình.
“Sau tin nhắn ấy, mối quan hệ giữa tôi và mẹ khác lắm. Trước đây, mẹ nghiêm khắc bao nhiêu thì bây giờ mẹ thoải mái với tôi bấy nhiêu. Tôi và mẹ bây giờ có thể kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện như 2 người bạn thân”, Tú Anh kể.