Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phía sau logo của những hãng xe nổi tiếng

Đằng sau mỗi biểu tượng logo quen thuộc là cả một câu chuyện mà các hãng sản xuất xe hơi muốn chia sẻ tới người sử dụng.

Logo của các hãng xe chính là dấu hiệu để khách hàng nhận biết về một thương hiệu xe ô tô. Xoay quanh Logo ô tô có rất nhiều điều thú vị. Nhưng giữa rất nhiều các hãng xe khác nhau thì Logo của những hãng nổi tiếng lại được chú ý cũng như biết đến nhiều hơn.

Volvo (1926)

Logo gây nhầm lẫn của hãng Volvo. (Ảnh: Topgear)

Biểu tượng logo hãng xe Volvo được ra mắt vào năm 1926, có thiết kế một vòng tròn màu bạc kèm theo mũi tên chỉ đường chéo lên ở phía trên bên phải.

Với tạo hình như vậy, nhiều người đã lầm tưởng logo của hãng xe này tương đồng với biểu tượng giới tính nam (ngọn giáo và tấm khiên), ý nói những khách hàng sử dụng xe của hãng là những người có nam tính.

Tuy nhiên sự thực lại không phải như vậy, thực chất logo của Volvo là biểu tượng hóa học của nguyên tố sắt. Điều Volvo muốn nhắn nhủ tới mọi người chính là sự chắc chắn, bền bỉ của hãng xe này.

Toyota (1989)

Logo nhiều tầng ý nghĩa của Toyota. (Ảnh: Topgear)

Logo của hãng xe Toyota được giới thiệu vào năm 1989 để kỷ niệm 80 năm thành lập công ty. Biểu tượng này gồm ba hình bầu dục lồng vào nhau, được thiết kế đối xứng để dễ nhận biết cả khi nhìn qua gương chiếu hậu.

Bạn có thể nghĩ đó chỉ là chữ T, với mỗi hình bầu dục là một nét bút có kích thước khác nhau nhằm tôn vinh văn hóa thư pháp của Nhật Bản. Ngoài ra, các hình này chồng lên, đan xen vào nhau tượng trưng cho sự tin tưởng, trong khi hình bầu dục lớn nhất bên ngoài cùng biểu thị thế giới đang đón nhận Toyota.

Audi (1932)

Bốn vòng tròn của Audi đại diện cho 4 công ty hợp nhất. (Ảnh: Topgear)

Các thương hiệu Audi, DKW, Horch và Wanderer đã hợp nhất để tạo thành hãng xe Auto Union vào năm 1932, và 4 vòng tròn trong logo là để biểu trưng cho 4 công ty thành viên. Đây có thể nói là mối lương duyên trời định, vì hai từ “Horch” trong tiếng Đức và “Audi” trong tiếng Latin đều có chung nghĩa là “hãy lắng nghe”.

Cái tên Auto Union tồn tại trong hơn 30 năm cho tới năm 1965 khi hãng xe này trở thành sở hữu của tập đoàn Volkswagen. Ông chủ mới của Auto Union không thích tên cũ, nên đã đổi tên công ty này thành Audi như ngày nay.

Skoda (1926)

Logo của Skoda thực sự không hề liên quan tới loài chim. (Ảnh: Topgear)

Skoda được thành lập vào năm 1859, tại Bohemia, ngày nay là Cộng hòa Séc. Được biết đến với cái tên Skoda Works, công ty này đã phát triển trở thành một tập đoàn công nghiệp lớn và mua lại công ty ô tô Laurin-Klement vào năm 1924.

Từ năm 1926, Skoda đã sử dụng logo mà chúng ta biết ngày nay. Nhiều người lầm tưởng logo này khắc hình một chú chim. Tuy nhiên, theo Skoda giải thích, logo của hãng biểu trưng cho chiếc mũ đội đầu của người thổ dân da đỏ kèm theo một mũi tên.

Volkswagen tiếp quản công ty Skoda vào năm 1991 và đổi màu logo từ màu đỏ sàn màu xanh lục.

BMW (1917)

Logo của BMW không phải là cánh quạt máy bay như lầm tưởng. (Ảnh: Logodesignlove)

Đã có nhiều tranh luận về nguồn gốc logo của hãng BMW. Đa số người được hỏi đều cho rằng hình tròn ở logo BMW biểu tượng cho hình ảnh cánh máy bay đang hoạt động. Tuy nhiên, đây là một điều lầm tưởng.

Thực ra, logo BMW ngày nay là sản phẩm phát triển từ logo của Rapp Motorenwerke, một công ty thành viên sản xuất động cơ máy bay, còn hai màu trắng xanh được lấy cảm hứng từ màu cờ của bang Bavaria.

Dẫu sao, ý tưởng về logo - cánh quạt máy bay cũng rất thú vị nên BMW cứ mặc kệ khách hàng nhầm lẫn mà không thèm đính chính lại.

Logo BMW là sản phẩm kết hợp giữa logo Rapp Motorenwerke và màu cờ trắng xanh của bang Bavaria. (Ảnh: Logodesignlove)

Alfa Romeo (1910)

Logo của Alfa Romeo gồm 2 biểu tượng chữ thập đỏ và con rắn. (Ảnh: Topgear)

Alfa thực chất là viết tắt của cụm từ Anonima Lombarda Fabbrica Automobili (nhà máy ô tô Lombard). Công ty này được thành lập vào tháng 6 năm 1910, trước khi được kỹ sư Nicola Romeo mua lại vào năm 1915.

Logo của Alfa Romeo có chứa hai biểu tượng gắn liền với thành phố Milan, một chữ thập đỏ trên nền trắng và một con rắn. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy con rắn này đang nuốt một người khác, hình tượng này bắt nguồn từ một câu chuyện tôn giáo lâu đời ở Milan. Tuy nhiên, với trình độ văn hóa ngày nay, biểu tượng này có thể sẽ gây khó chịu cho khách hàng, Alfa Romeo đã có cách giải thích khéo léo rằng đây thực sự là một người đàn ông đang thoát ra khỏi con rắn, tượng trưng cho sự hồi sinh.

Ferrari (1929)

Logo của hãng xe Ferrari có nhiều ý nghĩa với người sáng lập. ( Ảnh Topgear)

Cavallino Rampante, hay ngựa chồm là logo không thể nhầm lẫn của hãng xe thể thao Ferrari, nhưng thực ra biểu tượng này đã có mặt từ trước khi hãng xe ra đời rất lâu.

Hình tượng chú ngựa chồm đã được sử dụng ở Trung đoàn Hoàng gia Piedmont vào năm 1692, sau đó nó tiếp tục được vẽ trên máy bay của Francesco Baracca, một phi công chiến đấu trong Thế chiến thứ nhất. Người đàn ông này đã trở thành anh hùng của Italia bởi giành chiến thắng trong 34 trận không chiến trước lúc bị bắn hạ vào năm 1918.

Khi Enzo Ferrari gặp mẹ của Baracca để chia buồn, bà nói rằng anh ta nên sơn con ngựa trên những chiếc xe đua của mình để lấy may. Ferrari đã làm theo lời khuyên này và thêm màu vàng trên nền logo để tưởng nhớ đến thành phố quê hương Modena.

Mercedes (1925)

Ngôi sao ba cánh thể hiện tham vọng của Mercedes. (Ảnh Topgear)

Logo của Mercedes xuất hiện lần đầu tiên sau khi hợp nhất 3 công ty Daimler Motoren Gesellschaft, Benz và Cie vào năm 1925.

Biểu tượng này được cho là tượng trưng cho sự thống trị của Mercedes trên bộ, trên biển và trên không. Công ty cũng đăng ký bản quyền một ngôi sao bốn cánh, có lẽ nhằm chiếm lĩnh không gian, nhưng ngôi sao đó chưa bao giờ được Mercedes sử dụng.

Lamborghini (1963)

Chú bò tót hung hãn trên logo Lamborghini. (Ảnh Topgear)

Khi Ferruccio Lamborghini tham gia vào lĩnh vực sản xuất xe hơi, ông ta đã lựa chọn hình ảnh một chú bò tót đang lên cơn thịnh nộ làm logo cho hãng xe của mình. Có người nói rằng đó là đại diện cho cung Kim Ngưu, cung hoàng đạo của Ferruccio Lamborghini. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng sở dĩ Lamborghini chọn logo này vì rất thích môn thể thao đấu bò.

Và dù với ý nghĩa nào, một con bò tót hung hãn có thể sẽ dễ dàng đánh bại một con ngựa chồm.

Subaru (1953)

Các ngôi sao trên logo Subaru thuộc cụm sao Pleiades. (Ảnh: Topgear)

Các ngôi sao trên logo của hãng xe Subaru là biểu tượng đại diện cho cụm sao Pleiades. Và năm ngôi sao nhỏ đại diện cho năm công ty hợp nhất tạo nên Fuji Heavy Industries, công ty mẹ của Subaru.

Trong tiếng Nhật, các ngôi sao trong cụm sao Pleiades được gọi là Subaru, nghĩa là "tập hợp lại với nhau".

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới