PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, bệnh nhân 91 tiếp tục có những phục hồi kỳ diệu.
Bệnh nhân được ngưng ECMO từ sáng 3/6, đến nay bệnh nhân đã ngưng thở máy, có thể tự thở với oxy 3 lít/phút qua ống mở khí quản, sức cơ hô hấp có cải thiện, ho mạnh hơn, tự thở được trong 24 giờ.
Đồng thời, bệnh nhân cũng đã ngưng 1 loại kháng sinh và sử dụng kháng đông dự phòng đường uống xarelto.
Ông Khuê đánh giá, đây là bước tiến rất quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân, bởi trước đây Bệnh viện Chợ Rẫy từng dự đoán phải mất nhiều tuần mới có thể cai được máy thở. Với bước tiến này, có thể thấy phổi bệnh nhân đã hồi phục.
Phi công người Anh cầm nước tự uống. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy)
Chiều 13/6, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tuy nhiên sức cơ 2 chân còn yếu. Về dinh dưỡng, các bác sĩ cho ăn qua đường tiêu hoá và bệnh nhân dung nạp. Bệnh nhân ăn 1.250 ml súp xay và sữa/ngày.
Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt. Bệnh nhân tiếp tục được tập vật lý trị liệu ngày 2 lần. Điều chỉnh bù nước điện giải và săn sóc vết loét vùng cụt. Đến thời điểm hiện tại, mạch của bệnh nhân là 105 lần/phút; huyết áp: 130/70 mmHg; T 37oC, SpO2: 98%.
Mặc dù có những tiến triển vậy, tuy nhiên Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho rằng, nam phi công vẫn cần nhiều tuần để phục hồi đáp ứng với gắng sức và chức năng vận động, trong quá trình phục hồi có thể bị những đợt nhiễm trùng mới.
Bệnh nhân 91 là trường hợp mắc COVID-19 có số ngày điều trị dài nhất ở nước ta với 87 ngày. Trong đó quá trình điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều 22/5 đến nay.
Video: Sức khoẻ của phi công người Anh (BN91) tiến triển tốt