Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phí bảo trì nhà chung cư 2%: Nên giữ hay bỏ?

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất bỏ 2% phí bảo trì nhà chung cư nhưng một số ý kiến lại cho rằng việc bỏ phí này sẽ khiến công tác quản lý sẽ lộn xộn hơn.

Một số chuyên gia cho rằng việc quy định nộp 2% phí bảo trì như hiện nay sẽ tạo ra nguồn tiền khá lớn, ít cũng vài tỷ đồng, ở những dự án lớn có thể lên đến cả trăm tỷ đồng, rất khó khăn trong việc quản lý, sử dụng, nhất là trong bối cảnh ban quản trị nhà chung cư chưa chuẩn hóa được về tiêu chuẩn, thiếu năng lực chuyên môn...

 Nhiều năm nay, cư dân chung cư Star City (Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội) "vò võ" đi đòi quỹ bảo trì.

Do đó, để có kinh phí bảo trì nhà chung cư, cần tính toán theo kế hoạch từng năm rồi cụ thể hóa, thu theo năm. Căn hộ nào không nộp có thể dùng chế tài cắt điện, cắt nước. Hội nghị nhà chung cư hoặc ban quản trị sẽ quyết định phê duyệt kế hoạch bảo trì nhà chung cư mỗi năm, từ đó sẽ quyết định thu mức phí bảo trì theo kế hoạch...

Về đề xuất bỏ 2% phí bảo trì, TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không nên bỏ phí bảo trì, bởi vấn đề khó nhất là huy động cư dân nộp tiền, đến khi cần sửa chữa thì có người nộp, có người không vì chưa có chế tài gì.

Quỹ bảo trì đảm bảo cho sửa chữa nhỏ được thuận lợi, vấn đề còn lại, cơ quan quản lý phải có chế tài mạch lạc yêu cầu các nhà đầu tư nộp quỹ bảo trì. Trên thực tế còn những bất cập là do yếu kém của cơ quan quản lý chứ không phải tính chất quỹ bảo trì không tốt.

Liên quan đến đề xuất chủ đầu tư nên thuê một công ty độc lập quản lý thay vì ban quản trị, theo ông Đặng Hùng Võ, đấy là sáng kiến tốt. Hiện ban quản trị có nhiều trường hợp không vì lợi ích chung, nhiều trường hợp ban quản trị không phải do cư dân bầu mà do chủ đầu tư thành lập. "Chính vì thế, thuê công ty độc lập vẫn là tốt hơn", ông Võ nói.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc Phòng, cho biết KĐT Mỹ Đình 1 được xây dựng từ năm 2004, lúc đó chưa có quy định nộp quỹ bảo trì. Đến này cần sửa chữa nhỏ như sơn bề ngoài, gạch nền phía ngoài hành lang chung bị bong tróc… Tổng công ty đều trích từ dịch vụ cho thuê thương mại trong các toà nhà để sửa chữa.

Để quản lý chung cư, Tổng công ty đã thuê công ty Đức Đại Phát, một đơn vị chuyên nghiệp quản lý vận hành chung cư. Theo người dân ở đây, cung cách quản lý của công ty này chuyên nghiệp, nên dân cư ở đây tương đối yên tâm. Tuy nhiên, một số người dân lo lắng khi không có quỹ bảo trì thì hỏng lớn sẽ sửa như thế nào.

Đại diện tổ dân phố KĐT Mỹ Đình 1 cho biết, hiện nay KĐT đã ở được hơn 10 năm, bắt đầu có những hạng mục xuống cấp, rất cần có kinh phí để sửa chữa. Mỗi lần huy động người dân đóng quỹ phải gõ cửa từng nhà, như đi xin rất phiền phức. Thậm chí nhiều nhà không đóng góp.

Để khắc phục tình trạng này, ông Dũng cho biết, Tổng công ty đang tính đến phương án sẽ trích 20-30% kinh phí từ dịch vụ cho thuê thương mại dưới chân các toà nhà. Nếu phương án này được thực hiện thì đây sẽ là tin vui cho cư dân ở đây.

Khánh An

Tin mới