Trong triết lý kinh doanh của mình, Viettel đã ghi thật rõ ràng: Nền tảng cho một doanh nghiệp phát triển là xã hội. Viettel cam kết tái đầu tư cho xã hội thông qua việc gắn kết hoạt động sản xuất kinh doanh với các hoạt động xã hội.
Trước khi Viettel làm di động, cả nước chỉ có khoảng 2.000 trạm phát sóng. Thập niên 1990, điện thoại “cục gạch” có giá lên tới 4-5 triệu đồng. Di động là dịch vụ xa xỉ với phí hoà mạng 1,5 triệu đồng, phí duy trì hoạt động 300.000 đ/tháng, giá cước trả sau 8.000 đồng/phút.
Thế mới có chuyện, cho đến tận bây giờ, người ta vẫn còn nhớ ví dụ về việc gọi một phút di động là bay luôn 2 bát phở ở thành phố (thời đó, giá một bát phở chỉ khoảng 4.000 đồng) và di động chỉ dành cho người giàu.
Và cũng vì lẽ đó, dù sóng di động đã xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1993, dịch vụ di động vẫn nằm ngoài khả năng chi trả của số đông suốt cả thập kỷ sau đó. Phải đến tháng 10/2004, khi Viettel chính thức bước chân vào kinh doanh dịch vụ di động, mọi thứ mới thay đổi.
Ước mơ của người Viettel khi đó rất ngắn gọn: “Mỗi người Việt Nam có một chiếc điện thoại di động”. Nhiều người coi đây là điều không tưởng bởi đến người dân thành phố còn thấy dùng di động quá đắt đỏ, người dân ở nông thôn hay những vùng kém phát triển hơn càng không dám mơ tới.
Nhưng những gì Viettel làm được sau đó đã chứng minh điều ngược lại.
Việc một nhà mạng ra đời với mục tiêu từ ban đầu là phổ cập di động cho mọi người và ưu tiên khu vực nông thôn, phần lớn là người nghèo là minh chứng điển hình của “kinh doanh với lương tâm xã hội”.
Ở hạ tầng mạng, nếu các đối thủ trước đó chỉ tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị thì Viettel – một tân binh – lại chọn phủ sóng khắp hang cùng ngõ hẻm, biên giới hải đảo. Để đạt được mục tiêu đó, người Viettel đã có nhiều sáng kiến đột phá như thiết kế mạng lưới theo hình mắt cáo, quy chuẩn hóa việc lắp đặt trạm BTS theo vùng miền.
Điều này đã giúp việc quy hoạch, đặt vị trí hàng nghìn trạm BTS được hoàn thành chỉ trong 1 ngày thay vì nhiều năm. Và việc thi công lắp trạm cũng được hoàn thành xuất sắc bởi những nhân viên chưa có quá nhiều kinh nghiệm, nhưng có thừa sự nhiệt huyết, lăn xả.
“Lính mới” đã xây dựng thần tốc được một mạng lưới 5.000 trạm phủ khắp đất nước, thực hiện thành công chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị”. Xong phần hạ tầng, người Viettel hiểu muốn phổ cập hóa di động cho mọi người dân, điều quan trọng tiếp theo là chi phí phải hợp lý, giúp khách hàng không cảm thấy việc “nuôi” một chiếc di động là gánh nặng.
Các gói cước rẻ, khuyến mại hấp dẫn trong khi duy trì chất lượng nghe-gọi tốt, phủ sóng khắp mọi nơi đã tạo ra bước ngoặt về di động cho nhóm người dân không có điều kiện kinh tế dư dả.
Trong con mắt của Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, Viettel đã “thay đổi đất nước” nhờ kỳ tích phổ cập di động. “Mỗi ngày, ngồi ở nhà, mở cửa nhìn ra ngoài từ đây, thấy mấy chị bán rau, anh xe ôm, cô bán đồng nát có lúc ngồi gốc cây bàng bên kia đường thỉnh thoảng lấy điện thoại ra alo alo, tôi rất xúc động”, TS Mai Liêm Trực bộc bạch.
Ngoài cách làm sáng tạo, thần tốc, sâu xa cốt lõi cho thành công của hành trình phổ cập di động của Viettel ở Việt Nam là niềm tin rằng mọi người, không phân biệt giàu nghèo, thế hệ, cần được tiếp cận bình đẳng với công nghệ. Và niềm tin ấy đã đem lại “trái ngọt”.
Bình luận về chiến lược phổ cập dịch vụ thông tin di động của Viettel, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người giữ chức vụ Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại thời điểm Viettel ra mắt dịch vụ, nhớ lại: “Tất cả đều hưởng lợi. Sau khi tham gia kinh doanh viễn thông, Viettel là công ty phát triển nhanh nhất, thành công lớn nhất, không những giảm giá thành của dịch vụ viễn thông, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nước nhà”.
Về sau này, chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị”, giúp người dân ở những vùng kém phát triển hơn tiếp cận được với công nghệ cũng chứng minh tính hiệu quả khi Viettel đầu tư nước ngoài. Ở những quốc gia như Haiti, Burundi, Mozambique, Viettel cũng tạo nên những câu chuyện cổ tích về cách mạng viễn thông tương tự như Việt Nam.
Chiến lược “phổ cập di động” của Viettel từ 20 năm trước có điểm rất tương đồng với chiến lược phát triển phát triển xe điện của Tesla. Không giống với những thương hiệu xe hơi khác, Elon Musk (ông chủ của Tesla) không phát triển xe điện với mục tiêu bảo vệ môi trường như kiểu “kinh doanh với lương tâm xã hội”.
Tỷ phú này coi việc tạo ra một chiếc xe bảo vệ môi trường với hiệu năng vượt trội, đẹp như siêu xe, giá thành hợp lý là chiến lược cốt lõi để đưa Tesla lên vị trí số 1 thế giới ngành ôtô. Tất nhiên, cũng giống như Viettel, cả 2 đều phải làm những việc chưa ai từng làm và tạo ra những kết quả chưa ai từng có để biến một điều tưởng như phi lý, thành hợp lý và trở thành tiêu chuẩn chung sau này cho mọi người.
Điều tự hào nhất mà Viettel làm được trong 35 năm qua, không phải là trở thành tập đoàn kinh tế chủ lực, luôn đóng góp ngân sách lớn nhất nước; mà là bền bỉ và liên tục hiện thực hóa tầm nhìn “Sáng tạo vì con người”, với triết lý: khi công nghệ tiến lên phía trước, không ai bị bỏ lại phía sau. Ở đó, công nghệ được xuất phát từ sự đồng cảm, khát khao và mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người.
Khi Autonomous System - hệ thống vận hành mạng lưới tự động hoá của Viettel được giới thiệu tại Hội nghị di động thế giới (MWC) 2024, nhiều chuyên gia tập trung vào những lợi ích về an toàn, xử lý sự cố nhanh, tiết kiệm chi phí và năng lượng mà nó mang lại. Thế nhưng, mục tiêu quan trọng số 1 của Viettel khi phát triển hệ thống này lại là trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.
Với hệ thống vận hành mạng lưới trước đó, các trạm BTS cần nhân sự theo dõi 24/7 để kịp xử lý các tình huống phát sinh hay đến tận nơi để bảo dưỡng hệ thống. Do đó, việc duy trì các trạm ở vùng sâu vùng xa là rất khó, chất lượng dịch vụ không cao. Đây là chưa kể đến việc gặp trục trặc về nguồn điện thì việc gián đoạn dịch vụ ở các khu vực này là khó tránh khỏi…
Với một nhà mạng vận hành tại 11 quốc gia trên thế giới, phải vận hành khoảng 100.000 trạm BTS mỗi ngày, với rất nhiều trạm ở vùng sâu, vùng xa, thậm chí ở cả những nơi chưa có điện thì đây là vấn đề không nhỏ. Ở quy mô lớn như vậy, để đảm bảo mạng có chất lượng tốt và tối ưu thì cần tự động hoá và thông minh hoá mạng lưới.
Tương tự như thời mới bắt đầu làm di động, Viettel chọn một lối đi mà chưa một nhà mạng nào trên thế giới thực hiện: tự phát triển hệ thống vận hành mạng lưới. Và khi mạng lưới ấy đưa vào vận hành, những gì đem lại không chỉ dừng ở cải thiện chất lượng dịch vụ hay trải nghiệm khách hàng.
Với Autonomous System, các trạm BTS của Viettel không cần người túc trực để vận hành và bảo trì nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất cao và không xảy ra lỗi. Hệ thống này cũng giúp đảm bảo cho mỗi cuộc gọi và dữ liệu di động của khách hàng liền mạch và ổn định, từ các vùng núi cao như Yên Minh, Hà Giang đến huyện đảo như Trường Sa và rất nhiều vùng xa xôi hẻo lánh tại các thị trường nước ngoài như vùng rừng rậm Amazon ở Peru.
Trước đây, mỗi lần đến kì kiểm định, các kỹ sư Viettel đều phải mất gần 1 ngày để băng rừng hay vượt sông, qua biển… đến từng trạm nơi hẻo lánh. Với hệ thống này, họ chỉ cần ngồi tại phòng điều khiển và thực hiện trên hệ thống trong vài phút.
Thời gian xử lý sự cố mạng lưới của Viettel giảm từ 15-30 phút xuống còn 1-2 phút, và người dùng gần như không nhận thấy gián đoạn về dịch vụ. Tính riêng năm 2023 tại Việt Nam, Autonomous System đã xử lý tự động 370.000 cảnh báo, đạt tỷ lệ thành công hơn 90% với số lượng kĩ sư chưa đến 20 người.
Nhờ hệ thống vận hành tự động, Viettel có thể tăng hiệu quả sử dụng của 100.000 trạm BTS, kéo dài thời gian chạy pin Lithium lên 20% so với thông thường (ở các khu vực không có điện lưới). So với vận hành theo cách cũ, Viettel ước tính hệ thống này giúp giảm phát thải khoảng 1 triệu tấn CO2 mỗi năm, tương đương trồng 17 triệu cây xanh.
Ở mức độ toàn cầu và tại Việt Nam, thị trường công nghệ đang trải qua sự biến đổi nhanh chóng với sự gia tăng của các xu hướng công nghệ mới và các xu hướng về phát triển bền vững, trong đó nổi bật là chuyển đổi xanh.
Theo đó, việc sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ dần được “xanh hóa”. Với nhiều doanh nghiệp, đây mới chỉ là phần bổ sung, bắt đầu từ những việc ít quan trọng, rồi sau đó lan tỏa dần tới những hoạt động kinh doanh chính, vốn khó thay đổi hơn.
Thực tế, nhiều tổ chức vẫn nhìn nhận chuyển đổi xanh đem lại hiệu quả tốt về mặt dài hạn, nhưng sẽ tốn kém và làm giảm hiệu quả kinh doanh trước mắt. Trong bối cảnh ấy, như đã từng làm với ngành Viễn thông, Viettel lựa chọn định hướng xanh chính là chiến lược phát triển “một mũi tên trúng hai đích”: Vừa tăng hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và khác biệt trong cả ngắn và dài hạn; vừa giảm thiểu chi phí.
Với công nghệ “bưu cục di động”, mỗi xe tải, mỗi bưu tá được kết nối với các bưu cục nhờ ứng dụng chia sẻ dữ liệu. Các khâu trung gian được giảm thiểu, giúp giảm 15% quãng đường vận chuyển và số lượng xe trung chuyển.
Mới nhất, đầu năm 2024, Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam, ứng dụng robot AGV được Viettel đưa vào vận hành. Tỉ lệ sai sót của tổ hợp gần như bằng 0, rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8-10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng. Nhờ tự động hoá, chi phí nhân sự ước tính tối ưu được 60%.
Ước tính, riêng trong năm 2023, 2.313 tấn CO2 đã được tiết kiệm, không thải ra ngoài môi trường nhờ một loạt biện pháp: Đầu tư vào xe điện giúp ít gây ra khí thải, tối ưu hóa tải trọng mỗi chuyến xe, tối ưu hóa các hoạt động trong kho bãi nhằm hạn chế năng lượng tiêu thụ; dùng tàu hỏa hoặc tàu biển để vận chuyển hàng hóa trên các khoảng cách dài, tiêu thụ ít nhiên liệu hơn so với xe tải.
“Bưu cục di động” hay tổ hợp công nghiệp chia chọn thông minh đều là những giải pháp đòi hỏi đầu tư nhiều tiền bạc lẫn công sức mà Viettel là công ty đầu tiên ở Việt Nam quyết tâm thực hiện. Ngay sau đó, Viettel đặt mục tiêu triển khai công viên logistics, cửa khẩu thông minh, hệ thống chuỗi cung ứng, đường sắt liên vận quốc tế… để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành công hạ tầng logistics quốc gia.
Và người tiêu dùng chính là đối tượng được hưởng lợi chính. Chi phí logistics ở Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục giảm xuống và hàng hoá đến tay khách hàng nhanh hơn.
Đầu tháng 4/2024, Tập đoàn Viettel đã khai trương Trung tâm dữ liệu (DC) xanh đầu tiên ở Việt Nam tại Hoà Lạc, với tổng công suất điện lên tới 30kW – lớn nhất Việt Nam. Trung tâm này được thiết kế để đáp ứng các tác vụ lớn trong lĩnh vực AI và trí tuệ nhân tạo.
Đây cũng là DC đầu tiên của Việt Nam được xây dựng với khoản tín dụng xanh từ Ngân hàng toàn cầu HSBC - vốn chỉ cấp cho những dự án vượt qua quy trình quản lý và phê duyệt tín dụng nghiêm ngặt về tài chính bền vững.
Chưa nhiều công ty trong cùng lĩnh vực chọn xây dựng DC xanh tương tự. Lý do vốn đã quen thuộc, hiệu quả kinh doanh với phát triển theo hướng bền vững thường tỷ lệ nghịch với nhau. Trung tâm dữ liệu xanh đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn nhiều so với DC truyền thống.
Việc ứng dụng, triển khai thành công những công nghệ mới cũng là thách thức không nhỏ mà các doanh nghiệp cần vượt qua, song song với câu hỏi làm thế nào để vừa tối đa hóa hiệu năng, vừa giảm giá thành để cung ứng cho các khách hàng dịch vụ tốt với giá hợp lý.
Viettel đã từng bước tìm ra lời giải cho bài toán khó đó. Nhờ ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới, PUE (lượng điện tiêu thụ của cả DC chia cho lượng điện tiêu thụ của riêng các thiết bị tính toán) của DC Viettel chỉ đạt 1,4 đến 1,5, thấp nhất tại Việt Nam (mức PUE thông thường là 1,6-1,7). Nói dễ hiểu, mỗi phép toán thực hiện ở DC xanh của Viettel tiêu tốn ít điện năng hơn so với khi thực hiện ở một DC khác.
Trong kế hoạch dự kiến, Viettel sẽ khai trương thêm 3 DC chuẩn xanh mới, có công suất lên tới 240 MW – gấp 8 lần DC xanh lớn nhất Việt Nam hiện tại. Mục tiêu xa hơn là sử dụng năng lượng tái tạo từ 20-30% để vận hành các DC tại Việt Nam khi các quy định của pháp luật cho phép thực hiện.
"Viettel đặc biệt chú ý đến việc tạo ra các giải pháp, sản phẩm thân thiện với môi trường”, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định. Theo đó, chiến lược hạ tầng số xanh không chỉ tạo ra một chương mới cho Viettel mà cho cả ngành công nghiệp DC tại Việt Nam.
Trước xu thế các quốc gia nói riêng nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của phát triển xanh và sự quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, trung tâm dữ liệu thông minh Viettel IDC thể hiện tầm nhìn xa của Viettel trên hành trình phát triển bền vững. Đây còn là một bước tiến vững chắc của người Viettel trong việc khẳng định sứ mệnh “tiên phong kiến tạo xã hội số” của mình.