Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phát chán vì mắc COVID-19 lần 3

(VTC News) -

Xem tin tức ca COVID-19 tăng, lại thấy người mệt mỏi, ho liên tục, anh Tuấn Anh mua que test về thử, kết quả anh dương tính lần 3.

Cuối tuần qua, anh Đặng Tuấn Anh (28 tuổi - quản lý tại một rạp chiếu phim trên địa bàn Hà Nội) xuất hiện triệu chứng đau họng, ho, sốt 39 độ C, kèm chán ăn. Anh nghĩ mình bị cảm cúm thông thường do thay đổi thời tiết nên mua thuốc hạ sốt uống.

Phát chán vì mắc COVID-19 nhiều lần

Triệu chứng của Tuấn Anh không thuyên giảm, thậm chí ngày một nặng hơn, họng đau rát, khó nuốt, người luôn ớn lạnh, mệt mỏi. Anh mua que test SARS-CoV-2 về thử. 

Tôi sốc khi que test hiện lên hai vạch đậm. Đây là lần thứ 3 tôi mắc COVID-19”, Tuấn Anh ngán ngẩm và khẳng định bản thân luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách hàng ở rạp chiếu phim, không rõ nguồn lây nhiễm bệnh từ đâu.

Nhiều người phát chán vì dương tính SARS-CoV-2 tới lần 2, 3. (Ảnh minh họa: nld.com.vn) 

Có kinh nghiệm từ các lần mắc trước, anh chủ động xin nghỉ việc, cách ly tại nhà, đồng thời thông báo với cơ quan để phòng tránh dịch. Lần mắc COVID-19 thứ 3 này triệu chứng không nặng như hai lần trước, nhưng Tuấn Anh ngán ngẩm khi phải ở nhà cách ly, khiến công việc bị gián đoạn, ảnh hưởng tới nhiều người.  

"Tôi cũng thường xuyên theo dõi thông tin về COVID-19 trên các hội nhóm, đa phần những người mắc lần 3 - 4 đều biểu hiện nhẹ như cúm sốt thông thường, không đáng quan ngại. Hy vọng bản thân có kết quả âm tính thật nhanh để đi làm", anh nói.

Cùng cảnh tái nhiễm COVID-19 như Tuấn Anh, chị Nguyễn Thị Liên (29 tuổi, Hà Nội) phát hiện dương tính lần 2 với SARS-CoV-2 sau cơn sốt cao, đau mỏi cơ thể.

Công việc của chị thường xuyên đi lại, tiếp xúc nhiều người. Tuy nhiên, từ lâu bản thân không còn quan tâm với COVID-19 nên chị bỏ thói quen đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn... Chị chủ quan vì đại đa số khách hàng, mọi người xung quanh tiếp xúc đều tiêm từ 3 đến 4 mũi vaccine.

“Thời gian này đang có dịch Cúm A, B, rồi cả sốt xuất huyết. Tôi đã tiêm phòng 4 mũi vaccine, nên nghĩ chắc bản thân bị cúm”, chị Liên nói. Chị vẫn đi làm, tiếp xúc với mọi người bình thường, chỉ khi đồng nghiệp nói về chuyện con cái bị nhiễm COVID-19 và số ca đang tăng lại, chị mới mua que về test.

Dù biết bị COVID-19 nhưng chị Liên chỉ nghỉ ở nhà đến khi cắt sốt và vẫn đi làm bình thường.

Ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao

Ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam lý giải, số ca COVID-19 tăng có thể do miễn dịch của người sau tiêm vaccine hoặc từng mắc đã giảm. Ngoài ra, thời tiết giao mùa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trong khi nhiều người lơ là không đeo khẩu trang.

"Virus chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng", ông Phu nói và khẳng định, số ca nhiễm thực tế cao hơn thông tin được Bộ Y tế công bố. Lý do là nhiều người có triệu chứng COVID-19 nhưng không xét nghiệm, hoặc tự test dương tính nhưng tự điều trị ở nhà.

Chuyên gia khuyến cáo người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) và người có bệnh nền cần tiêm phòng vaccine COVID-19 nhắc lại hàng năm để tăng cường miễn dịch.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu tháng 4/2023 đến nay, số người mắc COVID-19 gia tăng. Từ ngày 1/4 đến 7/4, 278 ca/tuần, tỷ lệ nặng/mắc là 1,4%. Từ 8/4 đến 14/4 tăng lên 2.000 ca, có ca bệnh dấu hiệu chuyển nặng.   

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết và phòng chống. Để COVID-19 không ảnh hưởng tới cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, kể cả lực lượng y tế tuyến đầu. Từ đó, tránh sự quá tải hệ thống y tế.

Tổ chức Y tế thế giới đánh giá những người đã tiêm vaccine hoặc từng nhiễm bệnh hầu hết có miễn dịch - do vaccine hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng. 

Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong.

Theo Bộ Y tế, ngày 18/4, nước ta ghi nhận 1.522 ca COVID-19, tăng 491 ca so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 102 ca, trong đó 79 người phải thở ô xy qua mặt nạ, 9 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 14 ca thở máy xâm lấn. Việt Nam không ghi nhận thêm bệnh nhân COVID-19 tử vong.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, số mắc COVID-19 thời gian tới có thể tăng. Tuy nhiên, nước ta đang ở cấp độ 1 của dịch (màu xanh), tương ứng với nguy cơ thấp. Dù vậy, các địa phương vẫn cần cảnh giác, không lơ là để có biện pháp ứng phó kịp thời với COVID-19.

Nguyễn Ngoan

Tin mới