Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm về giải quyết cuộc xung đột Ukraine với phái đoàn ngoại giao cấp cao châu Phi, bao gồm đại diện của 7 quốc gia thuộc châu lục này tại thành phố St-Peterburg.
Tại cuộc hội đàm, phái đoàn ngoại giao châu Phi kêu gọi Nga và Ukraine cùng ngồi vào bàn đàm phán để sớm chấm dứt xung đột và châu Phi muốn trở thành nhà môi giới trong tiến trình tìm kiếm hòa bình.
Một tòa chung cư bị phá huỷ trong xung đột, tại Saltivka thuộc vùng Kharkiv, Ukraine ngày 20/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phái đoàn châu Phi đã đề xuất kế hoạch hoà bình tập trung vào 10 điểm chính bao gồm: lắng nghe quan điểm của các quốc gia; bắt đầu đàm phán ngoại giao càng sớm càng tốt; bắt đầu giảm leo thang xung đột từ cả 2 phía; bảo đảm chủ quyền quốc gia và dân tộc theo Hiến chương Liên hợp quốc; đảm bảo an ninh cho tất cả các quốc gia; đảm bảo việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của cả 2 nước; hỗ trợ nhân đạo cho những người đã trở thành nạn nhân của chiến tranh; giải quyết vấn đề trao đổi tù binh chiến tranh và trao trả trẻ em; tái thiết sau chiến tranh và hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh; hợp tác chặt chẽ hơn với các nước châu Phi.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moskva sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với tất cả những ai mong muốn hòa bình trên nguyên tắc công lý, có tính đến lợi ích hợp pháp của các bên và sẽ xem xét bất kỳ đề xuất nào từ các nước châu Phi về giải quyết vấn đề ở Ukraine.
Tổng thống Nga cũng đánh giá cao cách tiếp cận cân bằng của lãnh đạo Liên minh châu Phi đối với tình hình ở Ukraine.
Bình luận về kế hoạch hòa bình của phái đoàn châu Phi sau hội đàm, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moskva ủng hộ cách tiếp cận mang tính nguyên tắc rằng không thể có tiêu chuẩn kép trên thế giới; các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc được tôn trọng và thực hiện; không có các biện pháp trừng phạt đơn phương; không có những nỗ lực đảm bảo an ninh của 1 quốc gia bằng an ninh của các quốc gia khác; an ninh là không thể chia cắt trên quy mô toàn cầu.
Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga và đại diện các quốc gia châu Phi sẽ tiếp xúc thêm, mặc dù không phải tất cả các điều khoản trong sáng kiến hòa bình về Ukraine đều tương đồng với lập trường của Moskva.
Phái đoàn ngoại giao cấp cao châu Phi đã đến Kiev ngày 16/6 với hy vọng sẽ mang đến bàn đàm phán tiếng nói của một lục địa đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ cuộc xung đột Ukraine, bao gồm việc tăng giá ngũ cốc.
Tiếp đó, phái đoàn di chuyển từ Ukraine đến Nga ngày 17/6, gồm Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema và Tổng thống Azali Assoumani của Comoros - người hiện cũng đang đứng đầu Liên minh châu Phi.
Ngoài ra, các nước Uganda, Ai Cập và Congo-Brazzaville cử các quan chức cấp cao tham gia chuyến công du này.