Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ông Trump từng đề nghị đưa Kim Jong-un từ Hà Nội về Triều Tiên bằng Không lực 1

Đây là thông tin được tiết lộ trong phần ba và cũng là phần cuối cùng trong loạt phóng sự mà kênh BBC thực hiện về chủ đề ứng xử của ông Donald Trump với thế giới.

Trong phóng sự mới được công bố này, khán giả được tiếp cận với nhiều thông tin mới liên quan đến các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội. (Ảnh: AFP)

 

Trong loạt phóng sự, các phóng viên của BBC đã có dịp trao đổi, phỏng vấn với những người trực tiếp có mặt trong phòng họp, nơi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau và cả tiến trình ráp nối ngoại giao. 

Bất ngờ nhất có lẽ là câu chuyện ông Trump đưa ra lời mời để nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên Không Lực 1 trở về Bình Nhưỡng. Đây là diễn biến nằm trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội (2/2019). Cuộc gặp đã không đi đến thỏa thuận như dự kiến, do những bất đồng vào phút chót. Ông Trump rời bàn đàm phán, với lời bình luận trong đàm phán “Đôi khi cần phải biết bỏ ra về”. 

Nhưng trước khi rời phòng họp, Tổng thống Mỹ khi đó đưa ra một đề nghị đầy bất ngờ với lãnh đạo Triều Tiên. Theo Matthew Pottinger, quan chức hàng đầu phụ trách tình hình châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ tại thời điểm đó, ông Trump gợi ý để ông Kim Jong-un lên chiếc Không lực 1 về Triều Tiên. “Liệu tôi có thể đưa ông trở về nhà trong khoảng thời gian hai giờ bay không?”, ông Trump lên tiếng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã từ chối đề nghị này. Trước đó, ông Kim Jong-un di chuyển bằng tàu hỏa từ Bình Nhưỡng, qua Trung Quốc rồi đến Hà Nội. 

Theo chia sẻ của những người trong cuộc, đây chỉ là một trong nhiều diễn biến mà ông Trump khiến cộng sự cấp dưới bị bất ngờ, xét trong cả tiến trình can dự mới với Triều Tiên. Trong trao đổi với BBC, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton nói rằng, trước nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Trump nghĩ rằng mình đã có một người bạn tốt nhất.

Cụ thể, ông chủ Nhà Trắng đã từng có một cử chỉ khiến cố vấn, phụ tá bất ngờ khi đồng ý trước đề nghị của lãnh đạo Triều Tiên về hoãn cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn. Ông John Bolton nhớ lại cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo: “Ông Kim Jong-un, như nhiều lần khác trước đây, phàn nàn về cuộc tập trận quân sự quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc. Về phần mình, không một chút chần chừ, ông Trump tuyên bố: ‘Tôi sẽ cho hoãn cuộc tập trận. Tập trận đó không cần thiết, tốn kém. Điều này sẽ làm ông vui’".

Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tại thời điểm đó, trong phòng làm việc còn có Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng và cá nhân ông Bolton. Không một ai trong số này được gọi tham vấn ý kiến và dường như quyết định đến từ chỉ riêng cá nhân ông Trump. 

Ông John Bolton cho rằng quyết định của ông Trump về hoãn tập trận Mỹ-Hàn trước yêu sách của Triều Tiên là không phù hợp. (Ảnh: AP)

Cách thức thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng là điều bất ngờ với nhiều người. Mới ít tháng trước đó, ông Trump còn gọi nhà lãnh đạo Kim Jong-un là “người tên lửa” và cảnh báo sẽ giáng đòn “bão lửa và thịnh nộ” nhằm vào Triều Tiên.

Trong loạt phóng sự, BBC đã phỏng vấn Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách chính trị Jeff Feltman về thông điệp bí mật ông Trump chuyển cho lãnh đạo Triều Tiên đề nghị tổ chức cuộc gặp. Trước đó, phía Triều Tiên mời ông Feltman tới Bình Nhưỡng. Bộ Ngoại giao Mỹ tại thời điểm đó nói rằng ông Feltman không nên thực hiện chuyến đi. Nhưng vài tuần sau, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres có chuyến thăm Nhà Trắng và gặp ông Trump. 

Ông Guterres cho biết ông Jeff Feltman nhận được lời mời khác lạ từ Triều Tiên và sẽ là người đảm trách đối thoại chính sách với Bình Nhưỡng. Ông Trump nói với ông Guterres rằng ông Jeff Feltman nên tới Bình Nhưỡng và chuyển tới phía Triều Tiên thông điệp: Tổng thống Mỹ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. 

Nhưng chính chuyến đi Bình Nhưỡng lại khiến ông Feltman cảm thấy không hài lòng. Sau khi nhấn mạnh với phía Triều Tiên mức độ nghiêm trọng của tình hình, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc đề nghị được gặp riêng Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên để chuyển thông điệp bí mật của ông Trump. Trong trao đổi, đại diện của Bình Nhưỡng nói rằng điều này là không đáng tin và không có lý do gì để tin vào thiện chí từ Mỹ. 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không trực tiếp đáp lời đề nghị của ông Trump. Nhưng vài tháng sau, ông bắn tin cho phía Hàn Quốc biết đã sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong tức tốc bay tới Nhà Trắng để chuyển thông tin. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tại thời điểm đó HR McMaster mô tả thời khắc ông Trump nói “đồng ý” gặp gỡ đã khiến ông Chung Eui-yong rất ngạc nhiên.

Như nhiều cố vấn khác tại Nhà Trắng, ông McMaster tỏ ra dè dặt trước việc thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Nhưng cũng như trong nhiều điểm chính sách đối ngoại khác, ông Trump tự làm theo cách của mình.

Nguồn: Báo Tin tức

Tin mới