Phát biểu tại lễ tiếp đại sứ nước ngoài mới nhận nhiệm vụ tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin nói: “Tôi muốn nhấn mạnh tình trạng quan hệ 'đóng băng' hiện tại với Nga không phải do chúng tôi chủ động. Điều này không có lợi, không mang lại lợi ích cho cả Moskva và Berlin. Nhưng trước hết, theo tôi, Đức là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất”.
Theo Tổng thống Vladimir Putin, Nga và Đức đã phát triển "sự hợp tác thực tế, giống như kinh doanh" trong hơn nửa thế kỷ. Điều đó mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và cho toàn bộ lục địa châu Âu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AP)
Ông Putin cho rằng, năng lượng luôn là lĩnh vực hấp dẫn trong mối quan hệ hợp tác song phương. Trong nhiều thập kỷ, Nga cung cấp cho Đức nhiên liệu khí, dầu mỏ, các sản phẩm năng lượng cũng như các nguyên liệu năng lượng thô khác thân thiện với môi trường một cách đáng tin cậy, không bị gián đoạn, với giá hợp lý.
Tuy nhiên, lãnh đạo Nga nhấn mạnh, sự hợp tác này đã bị hủy hoại theo đúng nghĩa đen, gồm hành vi phá hoại đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc). Tháng 9 năm ngoái, Nord Stream AG - nhà điều hành đường ống Nord Stream, báo cáo về "sự phá hủy chưa từng có" trên 3 chuỗi đường ống dẫn khí ngoài khơi của Nord Stream và Nord Stream 2. Các nhà địa chấn học Thụy Điển cũng ghi nhận 2 vụ nổ trên các tuyến đường ống này.
Sau sự cố, Văn phòng Tổng công tố Nga mở cuộc điều tra về hành vi khủng bố quốc tế. Trong khi đó, Đức, Đan Mạch và Thụy Điển cũng công bố các cuộc điều tra riêng, nhưng từ chối cho Nga tham gia vào các cuộc điều tra này.
Theo ông Putin, ngoài mối quan hệ chính trị và kinh tế, Nga và Đức đã phát triển rất thành công trên các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa và nhân đạo, cũng như mối quan hệ giữa nhân dân 2 nước, nhưng đã bị gián đoạn.
Ông Putin nhấn mạnh Nga luôn ủng hộ việc xây dựng quan hệ với Đức trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lợi ích của nhau. Ông khẳng định những mối quan hệ như vậy không chỉ quan trọng đối với 2 nước mà còn đối với cả châu Âu.
Tháng trước, ông Putin cho rằng Đức đang bị đồng minh phương Tây chi phối và phải "ngậm đắng nuốt cay" khi khước từ nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga. Ông nói một số quan chức cấp cao của chính phủ Đức "dường như thiếu kỹ năng để đưa ra những quyết định hợp lý, chuyên nghiệp".
Năm ngoái, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Khí hậu và Kinh tế Đức Robert Habeck tuyên bố nước này đã loại bỏ và không bao giờ quay lại mô hình kinh doanh phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ của Nga.