Theo tài liệu của The Telegraph, Đức tuyên bố sẽ xem xét cắt giảm khoản đóng góp cho Quỹ Hoà bình châu Âu (EPF). Theo Đức, quỹ này đang bơm số tiền viện trợ quân sự mạnh tay cho Ukraine.
“Hỗ trợ quân sự cho Ukraine có thể được cung cấp thông qua đóng góp tài chính cho quỹ Ukraine trong EPF hoặc dưới hình thức giao trực tiếp thiết bị quân sự cho Ukraine”, Đức lập luận và lưu ý thêm rằng “đóng góp bằng hiện vật” phải được “ghi nhận đầy đủ theo thỏa thuận của một quốc gia thành viên".
Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5 do Đức sản xuất. (Ảnh: Getty)
Theo The Telegraph, Đức - nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đóng góp khoản tiền bằng khoảng 1/4 ngân sách của EU dành cho xung đột. Nếu Berlin thật sự cắt giảm nguồn tiền đóng góp, giá trị của quỹ EPF sẽ bị giảm đi đáng kể.
Hồi tháng trước, Đức đã cam kết sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Kiev vào năm 2024, đồng thời ký kết gói viện trợ trị giá lớn trị giá 8 tỷ euro.
Đến nay, quỹ EPF đã cung cấp các gói thiết bị quân sự trị giá khoảng 4,5 tỷ euro cho Kiev và tập hợp khoảng 34.000 quân nhân Ukraine. Quỹ này được thành lập ngay trước khi xung đột giữa Moskva và Kiev nổ ra vào tháng 2/2022. Từ đó đến nay, EPF hầu như chỉ được sử dụng để cung cấp viện trợ cho Ukraine.
Ngoài Đức, Pháp cũng chỉ trích việc sử dụng EPF để viện trợ cho Ukraine. Theo The Telegraph, Paris cho rằng EPF ngăn việc chuyển vũ khí từ kho dự trữ của các quốc gia thành viên sang quân đội nước ngoài, thay vào đó tập trung vào hoạt động “mua sắm chung” thiết bị quân sự từ các nhà sản xuất vũ khí châu Âu.
Đến nay, theo RT, chỉ mới có Hungary công khai lên tiếng phản đối việc sử dụng quỹ EPF để hỗ trợ Kiev. Trong đó, Budapest nói rằng Kiev đã thực hiện nhiều hành động không thân thiện với nước này.
Ngoài ra, Hungary cũng chỉ trích quan điểm của EU, cho rằng cam kết của khối này trong việc viện trợ vũ khí cho Ukraine là nguyên nhân cản trở họ trở thành trung gian hoà giải trong cuộc xung đột hiện tại giữa Ukraine và Nga.