Khởi nghiệp (Start-Up) là chủ đề không còn lạ lẫm đối với người trẻ. Dù vậy - dù cũ hay mới thì khởi nghiệp vẫn luôn là chủ đề nhận được nhiều quan tâm tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh quốc gia hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới.
Hiểu được nhu cầu của các bạn trẻ, sáng 17/11, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Winsan đã có buổi giao lưu với hàng trăm sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (Huflit) để chia sẻ những kinh nghiệm mà bản thân ông đã tích luỹ được trong con đường khởi nghiệp của chính mình.
Khởi nghiệp tuổi 18 liệu có quá sớm?
Khởi nghiệp ở thời điểm nào, bao nhiêu tuổi thì có thể khởi nghiêp... là vấn đề được nhiều bạn sinh viên năm 3 của Huflit dành nhiều quan tâm. Hầu hết các bạn đều cho rằng, đó chính là điều tiên quyết trong những "gạch đầu dòng" cho con đường khởi nghiệp.
Trước những thắc mắc của các bạn trẻ, ông Phạm Văn Tam đã lấy câu chuyện cuộc đời của chính bản thân mình để làm dẫn chứng.
Ông Phạm Văn Tam(ngồi giữa) tại buổi giao lưu khởi nghiệp.
Cụ thể, để được như ngày hôm nay, ông đã phải trả khá nhiều "phí tổn" do việc khởi nghiệp sai thời điểm. Do đó, nếu được làm lại, ông cho biết sẽ không vội vàng mà sẽ vạch ra một lộ trình thật hợp lý.
Ông chủ Winsan cho rằng, đối với các bạn sinh viên, ngay sau khi ra trường thay vì vội vàng kêu gọi vốn từ người thân và bắt tay vào khởi nghiệp thì các bạn nên dành thời gian, xin vào các công ty cùng lĩnh vực làm việc để lích luỹ kinh nghiệm.
Một thực tế, đó là người trẻ hiện nay thường "ảo tưởng về sức mạnh bản thân". Với kiến thức ở nhà trường, trên mạng xã hội, các bạn nghĩ rằng mình đã đủ hành trang để khởi nghiệp. Tuy nhiên, điều cần nhất là kinh nghiệm thực tiễn thì các bạn chưa có. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại của đại đa số người trẻ khi khởi nghiệp.
Vì vậy, vấn đề không phải là khởi nghiệp năm bao nhiêu tuổi, mà là khởi nghiệp khi hành trang của bản thân đã có những gì.
"Bản thân tôi đã từng khởi nghiệp nhiều lần và đã từng vấp ngã, tôi mong rằng câu chuyện của chính mình sẽ giúp các bạn tránh những sai lầm tương tự, giúp các bạn học được những bài học đắt giá mà không phải trả quá nhiều "phí tổn" và thành công nhanh hơn.
Một lộ trình cơ bản dành cho các bạn muốn khởi nghiệp đó là nên dành khoảng 5 năm để tích luỹ kiến thức thực tiễn. Khi tất cả mọi hành trang từ sách vở tới thực tiễn đều vững chắc, các bạn sẽ loại trừ tỉ lệ vấp ngã nhiều hơn", ông Phạm Văn Tam nói.
Bỏ qua tiêu chuẩn "vĩ mô - vĩ nhân"
Tại buổi giao lưu, ông Tam bày tỏ tiếc nuối khi đã chứng kiến nhiều bạn trẻ bỏ qua các lĩnh vực gần gũi, giàu tiềm năng phát triển để chọn những lĩnh vực vĩ mô, không sát với thực tế và năng lực của bản thân.
Theo đó, qua khảo sát chung ông cho biết, sinh viên Việt Nam số đông xuất thân từ các gia đình làm chăn nuôi, nông nghiệp. Đây là lĩnh vực được ông đánh giá giàu tiềm năng dành cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp, bởi ít nhiều các bạn đều hiểu được những điều cơ bản nhất.
Mặt khác, chăn nuôi và nông nghiệp là ngành ít chi phí và ít rủi ro hơn các ngành khác. Do đó, thay vì rập khuôn máy móc những mô thức thành công không phù hợp, các bạn trẻ nên phát huy năng lực bản thân kết hợp với thế mạnh của địa phương để giải quyết những vấn đề, nhu cầu mà xã hội thực sự cần.
"Các bạn hiện nay hầu hết đều xem nhẹ giá trị những thứ có sẵn cạnh mình. Chẳng hạn việc chăn nuôi, các bạn luôn nghĩ là lĩnh vực tầm thường, chỉ có cha mẹ ở quê mới làm để kiếm sống qua ngày. Các bạn không hề nhìn xa rằng, đó lại là phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay khi cung cấp thực phẩm và hỗ trợ nhiều ngành nghề khác.
Minh chứng rõ ràng, giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế bị điểm huyệt ở hầu hết các ngành thì một số ông lớn lại được "cứu sống" bởi phát triển song song chăn nuôi và nông nghiệp. Vì sao, vì sản phẩm của nó là những thứ mà con người ta luôn luôn cần", ông Tam nói.
Ông Tam cho rằng, hiện nay nhiều bạn trẻ khởi nghiệp chỉ chăm chăm vào lĩnh vực công nghệ, đặt mục tiêu phát minh ra những phần mềm vĩ mô được cả thế giới sử dụng và đánh giá cao mà không tự nhìn lại năng lực của bản thân.
Họ đang cố gồng mình trở thành những Jack Ma hay Bill Gates, những vĩ nhân trong hàng tỷ người mới có một. Họ hầu hết đều hiểu sai vai trò của công nghệ, đặt mục tiêu tạo ra những công nghệ vượt trội mà lại bỏ qua nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng - dùng công nghệ để vận hành những mô hình khác. Đây là một sai lầm rất phổ biến của người khởi nghiệp.
"Các bạn phải hiểu, mục đích số một của công nghệ là gì? Đó là dùng để áp dụng nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất, quản lý và vận hành cho doanh nghiệp. Từ đó nâng cao hiệu suất, đồng thời đem lại sự tiện lợi cho người khách hàng.
Vậy tại sao các bạn lại không áp dụng công nghệ đó vào mô hình của bản thân, để phát lĩnh vực riêng của mình tốt hơn mà lại chăm chăm vắt óc để tạo ra những điều tương tự người ta? Các bạn có tự tin mình sẽ "soán ngôi" được những nhân vật tầm cỡ đi trước không", ông chủ Winsan phân tích.
Để con đường khởi nghiệp không bị gián đoạn bởi những "hố ga", ông Tam cho rằng các bạn trẻ cần nhìn nhận được mình là ai, năng lực của mình đến đâu để chọn những lĩnh vực đúng với khả năng của mình. Đồng thời, phải loại bỏ tiêu chuẩn "vĩ mô - vĩ nhân" ra khỏi đầu, tất cả đều cần sát với thực tế.