Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Núi đồi trơ trụi, ruộng đồng bỏ hoang sau khai thác khoáng sản ở Đà Nẵng

(VTC News) -

Loạt mỏ đất, đá ở Đà Nẵng ngừng khai thác nhiều năm nhưng hoàn thổ, phục hồi môi trường diễn ra chậm, nhiều khu vực đồi núi trơ trụi, ruộng đồng nông dân bỏ hoang.

Ghi nhận của PV VTC News ngày 2/2, tại các khu vực khai thác mỏ đất, đá thuộc địa bàn quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), sau khi ồ ạt khai thác, nhiều chủ mỏ chậm hoàn thổ, phục hồi môi trường theo cam kết khiến núi đồi trơ trụi, nham nhở. Tại cuối tuyến đường Lê Trọng Tấn, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, dãy núi Phước Tường trước đây xanh mướt cây cối, giờ chỉ còn là đồi trọc do các mỏ khai thác đá để lại. Hàng triệu khối đá xây dựng đã được múc đi để lại những vách núi dựng đứng, trơ trụi và phía dưới là những hồ sâu rộng với sức chứa hàng trăm nghìn m3, tạo thành những “hồ tử thần”, dễ xảy ra tai nạn đuối nước.

Dù đã dừng khai thác, đóng cửa mỏ nhiều năm nhưng quá trình phục hồi môi trường tại các mỏ đá thuộc quận Liên Chiểu vẫn chưa hoàn thành. Một số chủ mỏ cho rằng điều kiện tại khu vực mỏ khắc nghiệt nên cây trồng chậm phát triển, chưa kể sau mùa mưa bão cây chết vì ngập, gãy phải trồng lại. Bên cạnh đó, do địa hình, sau khai thác đồi núi lồi lõm, cần thời gian cắt tầng, tạo mặt bằng. Với các mỏ đá, đất tầng phủ đã bị bóc đi trong quá trình khai thác, giờ muốn trồng cây, phục hồi môi trường cần phủ lớp đất mới, tốn nhiều thời gian.

Tại nhiều mỏ đất đá, sau khi hoàn thổ, các chủ mỏ trồng cây phủ xanh nhưng do địa hình và dùng đá san lấp tạo mặt bằng nên cây không thể phát triển. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, quy định hiện hành là các chủ mỏ ký quỹ phục hồi môi trường trước khi tiến hành khai thác mỏ. Riêng Đà Nẵng, từ năm 2015 đến nay đã thu thêm mỗi chủ mỏ 500 triệu đồng tiền cược. Hết hạn khai thác, các chủ mỏ chỉ được lấy lại tiền ký quỹ và tiền cược khi đã được nghiệm thu hoàn thành việc phục hồi môi trường. Nếu không, Đà Nẵng sẽ sử dụng 2 khoản tiền này để đấu thầu thuê đơn vị khác phục hồi.

Còn tại thôn Phước Thuận-Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng, hơn 10 năm nay, hàng trăm héc ta đất đồng ruộng của người dân phải bỏ hoang vì có tới 8 mỏ khai thác đá vây quanh. Có thể kể tên các mỏ của Công ty Khoáng sản miền Nam, Công ty Quang H.T, Công ty Cầu đường 2 Đà Nẵng, doanh nghiệp thương mại Đỗ Hữu Minh, Công ty CP Vật liệu xây dựng 323, Xí nghiệp khai thác đá Hố Bàn, Công ty CP Chu Lai, Công ty Huỳnh Đức May.

Hiện nhiều mỏ tại đây đã hết hạn khai thác nhưng các đơn vị vẫn chưa phục hồi hoàn thổ theo quy định, nhiều mỏ được khai thác sâu xuống hàng chục mét, tạo thành những hố tử thần. Trên đỉnh mỏ, dù keo lá tràm đã đến kỳ khai thác nhưng người dân không thể thu hoạch vì xung quanh là vách đá dựng đứng, không có đường lên.

Theo ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận-Phước Hậu, những cánh đồng có diện tích hơn 130ha của người dân trong thôn phải bỏ hoang hàng chục năm nay vì ảnh hưởng từ việc khai thác mỏ, nguồn nước ngầm bị cắt đứt, đất trở nên hoang hóa. Khi mỏ còn hoạt động, các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ người dân khoảng 1,5 triệu đồng/ha/năm nhưng từ khi hết hạn, người dân không còn được hỗ trợ nữa. “Không thể canh tác trở lại, nhiều người dân phải bỏ đi làm thuê, làm mướn. Người dân mong muốn chính quyền, ngành chức năng thành phố cần khẩn trương xem xét có biện pháp như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tìm cách chuyển đổi ngành nghề cho người dân, chứ kéo dài năm này qua năm khác, chỉ chờ để nhận hỗ trợ thì quá gay go”, ông Tuân cho biết.

Anh Trần Phước Sơn (trú thôn Phước Thuận-Phước Hậu) cho biết, gia đình anh có tổng cộng hơn 20ha đất bị ảnh hưởng và dù đã trồng nhiều loại cây nhưng không phát triển được vì đất cằn cỗi, chỉ chủ yếu là đá. "Làm công nhân lương bấp bênh, về trồng cây thì cây không phát triển được nên cuộc sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn", anh Sơn than thở. 

Vừa qua, sau khi kiểm tra việc phục hồi môi trường tại 17 mỏ khoáng sản, Sở Tài nguyên-Môi trường Đà Nẵng đã có thông báo, chỉ rõ thực trạng và yêu cầu khắc phục với từng mỏ. Tuy nhiên, quá trình phục hồi môi trường của các chủ mỏ diễn ra chậm nên chưa thể nghiệm thu, bàn giao mặt bằng cho địa phương quản lý.

XUÂN TIẾN

Tin mới