Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nữ sinh 12 tuổi đạt 8.5 IELTS ngay lần thi đầu tiên

Ngay trong lần thi đầu tiên, Nguyễn Thanh Mai, sinh năm 2009, đã đạt 8.5 IELTS, trong đó kỹ năng Listening đạt điểm tuyệt đối 9.0.

Sáng ngày đầu năm mới 2022, Nguyễn Thanh Mai, học sinh lớp 7 Trường Phổ thông Dewey không khỏi bất ngờ khi nhận được kết quả của lần thử sức đầu tiên với kỳ thi IELTS vào ngày 27/12.

Ngoài kỹ năng Listening đạt điểm tuyệt đối 9.0, phần Reading em đạt 8.5; kỹ năng Speaking đạt 8.0 và kỹ năng Writing đạt 7.5.

Nguyễn Thanh Mai sinh năm 2009 đã đạt 8.5 IELTS ngay lần thi đầu tiên

Mẹ của Mai - chị Nguyễn Thanh Tâm cũng vỡ òa vì vui mừng. Chị Tâm nói bất ngờ bởi tâm thế của cả hai mẹ con là chỉ thi để thử sức, dù con học khá tốt môn tiếng Anh.

“Thật ra lần này, gia đình chỉ muốn cho con thi thử để làm quen với dạng thức đề thi và xem khả năng tiếng Anh của con hiện ở mức nào, rồi định hướng việc học trong thời gian tới, chứ không đặt nặng kết quả.

Hôm thi về, con bảo với phần Nói khó khi thầy giáo hỏi về “Social Customs” (Phong tục xã hội). Con nói không biết nhiều về khái niệm này nhưng vẫn cố nói những gì có thể. Khi đó tôi còn bảo với con rằng đây chỉ như là thi nháp, lần sau mình thi lại”, chị Tâm nhớ lại.

Nhiều phụ huynh thắc mắc tại sao lại cho con thi IELTS sớm bởi hiểu biết của các con ở lứa tuổi này thường hạn hẹp, không thể so sánh với các anh chị lớn hơn.

Nhưng cuối cùng đây lại chính là điều khiến chị Tâm vui hơn cả.

“Nếu con đạt điểm thi cao vì cày cuốc ôn luyện thì mình cũng chẳng quá vui, mà cơ bản con hiểu đề thi và có kiến thức nền vững chắc để giải quyết yêu cầu. Tôi nghĩ kết quả này có được nhờ chương trình ở trường rất đa dạng, học các môn về xã hội và nhân văn bằng tiếng Anh nên phông nền của con khá chắc”.

Nguyễn Thanh Mai cho hay kết quả ngày hôm nay đạt được không thể thiếu sự đồng hành của mẹ Nguyễn Thanh Tâm.

Chia sẻ với VietNamNet, Thanh Mai cho hay, kỳ thi IELTS ngoài việc kiểm tra về ngữ pháp, khả năng sử dụng ngôn ngữ thì cũng đánh giá sự hiểu biết chung của thí sinh trong các lĩnh vực như Lịch sử, Địa lý, Triết học, Văn học, Ngôn ngữ, Nghệ thuật, thậm chí cả lĩnh vực chính trị hay xã hội...

“Những kiến thức nền cần được đào sâu, bởi dù tiếng Anh của bạn tốt nhưng không có hiểu biết, không có từ vựng về lĩnh vực nào đó thì không thể trả lời ban giám khảo hay có được một bài luận hay”.

Ngoài ra, theo Mai, cũng cần nắm được các tiêu chí chấm điểm trong một bài thi IELTS để biết giám khảo coi trọng điều gì trong một bài thi.

Nói về cách học, Mai cho biết ở nhà, em đọc nhiều sách, xem nhiều phim có thoại bằng tiếng Anh. Việc đọc sách giúp Mai hành văn tốt hơn và cũng không ngại khi làm văn hay viết các bài luận.

Còn xem phim tiếng Anh giúp em biết được người bản ngữ nói như thế nào để cải thiện phát âm và học thêm từ vựng. Bên cạnh đó còn biết cách sử dụng những từ đó trong những bối cảnh nào.

Mai cũng thường nói chuyện bằng tiếng Anh với người khác. “Việc này sẽ giúp em quen với việc nói tiếng Anh với người khác mà không ngại ngùng”, Mai nói.

“Không sa vào dạy con học”

Chị Tâm cho biết, dù công việc của 2 vợ chồng đều thường xuyên dùng tiếng Anh, thậm chí sử dụng tiếng Anh hoàn toàn (chị Tâm công tác tại Đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội) nhưng anh chị không can thiệp vào việc học tiếng Anh của con nhiều.

“Chúng tôi vẫn giao tiếp với con hàng ngày nhưng đều nhận thức mình không phải là các nhà giáo dục chuyên nghiệp nên không xác định sa vào dạy con học”, chị Tâm nói.

Thay vào đó, chị Tâm cho rằng mục tiêu chính là rèn các kỹ năng cho con.

“Tôi vẫn nói với con, mẹ đánh giá ở cả quá trình chứ không đánh giá theo một kết quả nhất thời. Điều tôi luôn muốn con hiểu là cần phải rèn tính cẩn thận, ở những kỳ thi thì đặc biệt lưu ý việc đọc kỹ đầu bài để tránh lạc đề, kiểm tra kỹ bài,... Mục tiêu là rèn cho con về kỹ năng là chính. Bởi những kỹ năng đó mới theo con suốt hết cuộc đời, chứ kết quả một kỳ thi này, dù cao hay thấp cũng không quá ảnh hưởng đến tương lai sau này”.

Chẳng hạn, khái niệm “Social Customs” dù chưa gặp bao giờ nhưng Thanh Mai vẫn cố gắng hoàn thành bài Nói. Như vậy, theo chị Tâm, con đã có ý thức tự tìm cách xoay xở kể cả khi mình thiếu kiến thức, hiểu biết chứ không bỏ cuộc ngay. Và rồi Mai cũng thể hiện khá tốt.

Nói về định hướng học hành cho con, chị Tâm cho biết cũng từng có ý định cho con ôn thi vào trường chuyên, nhưng sau khi tham khảo một số phụ huynh có con học chuyên thì đổi ý. Theo chị, học trường chuyên khá áp lực, chưa kể luyện thi cũng rất căng thẳng và mất thời gian trong khi con đang tuổi lớn, cần phát triển nhiều những khía cạnh khác.

“Nhiều bố mẹ nghĩ rằng cho con học trường công để tiết kiệm tiền sau này cho con đi du học. Nhưng tôi lại nghĩ cái cây muốn phát triển về lâu dài, mạnh mẽ và cao lớn về sau thì bộ gốc, bộ rễ phải tốt. Vì vậy vợ chồng tôi quyết định đầu tư từ gốc rễ trước, trong suốt quá trình chứ không phải chỉ đầu tư ở phần ngọn. Tôi nghĩ rằng xu thế này cũng đang tăng lên ở Việt Nam và mình cũng không phải quá ngoại lệ”.

Chị Tâm chia sẻ, dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn khi trẻ không thể đến trường nhưng với Thanh Mai thì khoảng thời gian này lại là cơ hội để con được trải nghiệm, thử sức ở nhiều lĩnh vực.

“Tôi thấy nhiều bố mẹ băn khoăn, trăn trở ở việc con học gì, làm gì ở thời điểm này. Thực ra tiếng Anh không chỉ có cách đến lớp học mà có nhiều hình thức khác để phát triển.

Dịp COVID-19, khi không đến trường, con có thời gian để tham dự các hoạt động về tranh biện như tham gia trại hè online về tranh biện hay tham gia thi đấu giải Vô địch Tranh biện châu Á online,... Con cũng tham dự một Hội nghị mô phỏng của Liên Hợp quốc. Ở đó, con được đóng vai là đại biểu của nước Nga, tham dự đàm phán về những vấn đề chính trị, xã hội,... qua đó giúp con phát triển thêm vốn từ và khả năng phản biện”, chị Tâm nói.

Ngoài ra, trong mùa dịch COVID-19, Thanh Mai còn hoàn thành cấp độ 4 và 5 chứng chỉ ABRSM của Hiệp hội Âm nhạc Hoàng gia Anh với loại xuất sắc.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới