Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nông dân Bà Rịa - Vũng Tàu đang ế hơn 500 tấn cá, tôm

(VTC News) -

Hơn 500 tấn thuỷ sản nước ngọt của bà con nông dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang bị "mắc kẹt" không tìm được người mua, dù nhiều người nuôi đã chủ động giảm giá.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến ngày 5/8, toàn tỉnh có 531 tấn thuỷ sản (213 tấn thuỷ sản nước ngọt, 383 tấn thuỷ sản nuôi lồng bè) đang cần hỗ trợ tiêu thụ, kết nối sản phẩm. 

 Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tồn 531 tấn thuỷ sản.

Hàng trăm tấn thuỷ sản cần được “giải cứu”

Ngày 5/8, trả lời VTC News, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trên địa bàn đang tồn hàng trăm tấn thuỷ sản chưa có người mua.

Cụ thể, tại xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) đang tồn 290 tấn hàu Thái Bình Dương; huyện Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ có 118 tấn cá lóc và huyện Châu Đức cũng có hơn 65 tấn cá các loại đang đứng trước nguy cơ ế.

Nuôi thuỷ sản bằng lồng bè trên sông Chà Và. (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)

Theo Sở NN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện cá lóc đang bán khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg (giá cùng kỳ năm ngoái 50.000 - 55.000 đồng/kg); giá tôm nuôi giảm so với trước thời điểm dịch bệnh khoảng 20.000 - 25.000 đồng/kg; cá nuôi lồng bè như cá chim, cá mú, cá chẽm… đều giảm khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg; giá hàu (hàu Long Sơn, hàu Thái Bình Dương) giảm 7.000 - 10.000 đồng/kg.

"Mức giá này thấp hơn rất nhiều so với mọi năm", Sở NNN&PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay.

Nguyên nhân chính của việc thuỷ sản rớt giá và khó tìm đầu ra do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các nhà hàng, khách sạn đã hạn chế thu mua.

Mặt khác thị trường lớn nhất của thuỷ sản Bà Rịa - Vũng tàu là các thương lái thu mua bán qua Campuchia, nhưng do dịch bệnh tại Campuchia đang diễn ra phức tạp, việc nhập khẩu vào thị trường này gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giá thành giảm hơn so với năm ngoái.

Nông dân lại khóc ròng

Trao đổi với VTC News, bà Đinh Thị Liễu (ngụ ấp 1, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ) cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên gia đình bị “mắc kẹt” gần 20 tấn cá rô đầu vuông không biết bán cho ai. "Giờ cũng chỉ còn biết trông chờ vào chính quyền địa phương xem có cách nào gỡ khó cho bà con nuôi cá như chúng tôi thôi, chứ hết cách rồi", bà Liễu nói.

Trông chờ vào chính quyền nhưng vẫn nóng ruột, nhiều người nuôi cá rô đầu vuông như gia đình bà Liễu đã chủ động hạ giá bán, xuống còn 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng vẫn vắng bóng thương lái. Trong khi đó, nông dân vẫn phải chi tiền triệu mỗi ngày mua thức ăn cho cá, khiến cuộc sống trong mùa dịch vốn khó giờ càng khó hơn.

 Hàng trăm tấn thuỷ sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang mắc kẹt trong mùa dịch COVID-19.

Cùng chung hoàn cảnh giống bà Liễu, ông Trần Văn Khôi (72 tuổi, ngụ xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ) cho hay, việc mua bán giữa thương lái và người nuôi thuỷ sản trên địa bàn đang gặp nhiều trở ngại. Vì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên không tìm được phương tiện vận chuyển trong mỗi lần mua bán.

Trước khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ông Khôi còn thuê được người đến nuôi cá giúp mình, nhưng đến nay, người làm thuê cũng không thể kiếm ra, nên dù tuổi cao sức yếu ông vẫn phải ra lồng bè cá để thăm nom mỗi ngày.

"Cá không ai mua, tiền thức ăn vẫn phải chi, tôi thì già yếu rồi, giờ không biết làm sao", ông Khôi rầu rĩ nói.

Trước tình trạng trên, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND các huyện đã nỗ lực hỗ trợ, tìm nguồn tiêu thụ thuỷ sản cho bà con nông dân. Bà Trần Thị Kim Loan, Trưởng phòng Kinh tế UBND thị xã Phú Mỹ cho biết, địa phương đã lên nhiều “kịch bản” hỗ trợ, kết nối với một số doanh nghiệp để tiêu thụ thuỷ sản nước ngọt giúp người dân.

“Ngoài việc liên kết doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng báo cáo thực trạng lên Sở NN&PTNT, Sở Công Thương… để được hướng dẫn và tìm giải pháp tiêu thụ thuỷ sản giúp địa phương”, bà Loan nói.

Tuy nhiên, cũng theo bà Loan, việc hỗ trợ tiêu thụ, kết nối sản phẩm cho người dân tại địa phương cần phải có thời gian, vì hiện tại tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, dù địa phương rất muốn nhanh chóng giải quyết cho bà con nông dân nhưng chưa thể triển khai ngay.

KHUẤT NGUYÊN

Tin mới