Tính đến năm 2023, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tròn 130 năm tuổi. Là thành phố du lịch nổi tiếng nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành, con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách, Đà Lạt có nhiều nét độc đáo và trở thành địa danh rất quen thuộc với người Việt Nam và du khách quốc tế.
Toàn tỉnh Lâm Đồng có 37 di tích, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh; có 32 làng nghề (21 làng nghề truyền thống, có 14 làng nghề gắn với du lịch). Riêng Đà Lạt hiện đang sở hữu 3 di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận, đó là: Di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên”; Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn”.
Thành phố Đà Lạt là thành phố sáng tạo toàn cầu lĩnh vực âm nhạc và đang xây dựng hồ sơ thành phố Đà Lạt trở thành thành phố Di sản của thế giới vào năm 2025.
Thành phố đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận với các danh hiệu như “Thành phố thông minh Việt Nam”, “Thành phố Du lịch sạch ASEAN” giai đoạn 2022 -2024; Tạp chí Lifestyle Asia đề xuất Đà Lạt là 1 trong 12 điểm đến lãng mạn nhất châu Á năm 2022. Tháng 10/2023, Đà Lạt chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.
Đà Lạt góc nhìn từ trên cao. (Ảnh: Võ Trang/Báo Lâm Đồng)
Địa phương này còn là nơi hội tụ, sinh sống của 20 dân tộc anh em nên có nguồn tài nguyên nhân văn mang đậm bản sắc truyền thống với nhiều phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, lễ hội văn hoá dân gian đặc sắc.
Thành phố được biết đến với kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà gỗ, những tòa lâu đài và biệt thự thuộc thời Pháp thuộc. Việc bảo tồn và khai thác kiến trúc này có thể tạo ra cơ hội du lịch chất lượng cao và tổ chức các chương trình hướng dẫn du lịch để khách du lịch có thể khám phá và hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa Đà Lạt.
Có thể nói nhờ tích luỹ quá khứ sự kết hợp hài hoà, cảnh quan tự nhiên, kiến trúc cảnh quan, di sản kiến trúc, bản sắc văn hoá các dân tộc và phong cách người Đà Lạt đã trở thành “kho báu” vô cùng quý giá giúp thành phố có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn.
Vùng đất này còn được sở hữu nhiều di sản văn hoá và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để khai thác các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch canh nông và du lịch hội nghị hội thảo để phát triển du lịch xanh, bền vững hiện tại và tương lai.
Du lịch xanh bền vững đã trở thành một xu hướng quan trọng trong ngành du lịch hiện tại và tương lai toàn cầu, với sự tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường và khám phá các giá trị văn hóa độc đáo và tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia.
Đà Lạt là đô thị nằm trên vùng Tây nguyên với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp và di sản văn hóa độc đáo, luôn luôn là điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích du lịch khám phá, du lịch xanh bền vững. Do đó khai thác hợp lý giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là yêu cầu tất yếu để phát triển chất lượng cao hiện tại và tương lai.
Theo UBND TP Đà Lạt, lũy kế 8 tháng năm 2023, tổng lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng Đà Lạt đạt trên 4,7 triệu lượt khách (lưu trú 3.998.000 lượt khách), đạt 73,5% so với kế hoạch và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khách quốc tế đạt 235.900 lượt khách (lưu trú 240.000 lượt) tăng412,8% so cùng kỳ 2022; khách nội địa đạt gần 4,5 triệu lượt khách (lưu trú trên 3,7 triệu lượt) tăng 40,2% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 8/2023, khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng Đà Lạt ước đạt 553.000 lượt khách (lưu trú 415.000 lượt), tăng 9,2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 18.900 lượt (lưu trú 17.950 lượt), tăng 1,4% so cùng kỳ 2022 và khách nội địa ước đạt 534.100 lượt (lưu trú 397.050 lượt), tăng1,7% so với cùng kỳ.