Trường trung học phổ thông Wudan số 1 ở thành phố Xích Phong là một trong những trường tốt nhất ở khu tự trị Nội Mông. Tuy nhiên, từ cách đây 10 năm, ngôi trường này bắt đầu gặp khó trong việc tuyển sinh.
Tình hình tương tự được ghi nhận tại trường trung học cơ sở Jinshan gần đó. Thầy Yang Junqing - hiệu trường Jinshan cho biết, trường lên kế hoạch tuyển sinh 8 lớp nhưng số học sinh đăng ký chỉ đủ để mở 4 lớp.
Theo Tân Hoa xã, "sự trỗi dậy" của các trường tư thục cùng các trường ở thành phố khiến cuộc chiến giành học sinh ngày càng trở nên gay gắt.
Học sinh tại các khu vực nông thôn, miền núi Trung Quốc chuyển lên thành phố để hưởng nền giáo dục chất lượng hơn. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Tại một huyện ở thành phố Trùng Khánh, 70 trong tổng số 100 học sinh dẫn đầu trong kỳ thi vào cấp 3 của huyện này chọn theo học tại các trường ở các khu đô thị chính. Khi các tuyến đường sau cao tốc tại địa phương được khánh thành, "hiệu ứng hút bụi" từ các trường học ở các khu vực đô thị chính càng trở nên rõ ràng hơn.
Trường trung học cơ sở số 1 của huyện Viễn Thái nằm ở vùng núi Phúc Kiến không có học sinh nào đỗ Đại học Thanh Hoa học Đại học Bắc Kinh trong nhiều năm qua, do lượng học sinh trong khu vực chuyển tới các thành phố quá đông.
"Với quá trình đô thị hóa và sức hút của nền giáo dục chất lượng cao ở các đô thị, ngày càng nhiều phụ huynh gửi con em tới các trường cấp 3 ở khu vực thành thị", hiệu trưởng Zhang Houlin của ngôi trường này cho hay.
Các chuyên gia giáo dục đánh giá để hạn chế tình trạng "chảy máu chất xám", các trường ở các vùng nông thôn Trung Quốc cần ổn định nguồn học sinh.
"Tăng cường quản lý tuyển sinh là bước đầu tiên. Chìa khóa để giữ chân học sinh là thực sự nâng cao sức hấp dẫn của huyện", Guo Congbin, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Giáo dục của Đại học Bắc Kinh cho hay.
Không chỉ học sinh, nhiều khu vực của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng mất đi lượng lớn giáo viên ưu tú.
Theo thống kê, tỷ lệ học sinh trên giáo viên ở 3.776 huyện của Trung Quốc đang vượt quá tiêu chuẩn. Hiệu trưởng một trường trung học ở một huyện vùng quê Trung Quốc cho biết năm nào trường cũng có giáo viên xin chuyển công tác và thu nhập thấp là một nguyên nhân. Ngoài ra, đãi ngộ từ các trường ở thành phố cũng cao hơn đáng kể.
Theo Tân Hoa xã, sau các kỳ thi giáo viên giỏi, nhiều trường trung học ở khu vực nội thành thường tìm cách chiêu mộ các giáo viên có thành tích cao.
Ông Xiong Bingqi, Chủ tịch Viện Nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 cho rằng để giải quyết tình trạng hiện tại, giới chức cần tăng cường hơn nữa quy hoạch tổng thể ở cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, tăng lương và điều kiện sống của giáo viên ở các vùng quê, tạo không gian và môi trường để họ phát triển.
Đây là điều mà một số khu vực đang làm rất tốt.
Huyện Thổ Giao ở Trùng Khánh từng thuộc diện huyện nghèo ở Trung Quốc. Bất chấp nguồn lực tài chính hạn chế, địa phương vẫn tăng cường tăng cường đầu tư cho giáo dục, cải thiện lương cho giáo viên, cải cách tuyển sinh từng năm.
Kết quả là tỷ lệ giáo viên địa phương chuyển công tác giảm đáng kể, số lượng học sinh khá, giỏi cũng đã tăng trở lại trong vài năm gần đây.