Điều khiến người tiêu dùng lo ngại nhất khi mua thịt lợn là chọn nhầm phải loại thịt lợn bệnh, thịt chứa các hóa chất độc hại hoặc đã bị ôi thiu, được người bán "ngụy trang" thành thịt tươi. Nhận biết, phân biệt thịt tươi, sạch là kỹ năng rất quan trọng với người nội trợ.
Nhận biết thịt tươi, sạch là kỹ năng rất quan trọng với người nội trợ. (Ảnh: Getty)
Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe gia đình, bạn nên tránh những loại thịt sau khi đi mua thực phẩm:
Nhiều dấu hiệu thịt lợn kém an toàn, đặc biệt là lợn bệnh, thể hiện khá rõ trên da; do đó người bán có thể lọc bỏ da để che giấu. Cho dù giá rẻ, bạn cũng đừng mua những miếng thịt không còn bì, vì trong trường hợp bình thường, không có lý do gì để loại bỏ phần này.
Với thịt lợn mán, lợn rừng, lớp mỡ mỏng là điều bình thường. Nhưng với các giống lợn thường, nếu nuôi theo kiểu tự nhiên, lớp mỡ thường dày hoặc vừa phải; nếu lớp mỡ mỏng quá mức thì rất có khả năng quá trình nuôi có sử dụng chất tạo nạc, tăng trọng. Đây là loại thịt lợn không nên mua.
Độ đàn hồi là một trong những dấu hiệu cơ bản để phân biệt thịt lợn tươi và thịt lợn ôi. Bạn hãy ấn ngón tay vào miếng thịt, nếu vết lõm nhanh chóng biến mất khi bạn bỏ ngón tay ra thì đó là thịt tươi. Ngược lại, nếu vết lõm tồn tại khá lâu thì đó thường là thịt kem tươi hoặc từng được đông lạnh.
Người bán thịt có một số mánh khỏe khiến miếng thịt ôi thiu có vẻ ngoài giống thịt tươi, nhưng lại khó giấu mùi khó chịu của nó. Do đó khi mua thịt lợn, bạn nên cầm lên ngửi thử, nếu thấy có mùi hôi, tanh hay mùi lạ thì không nên mua. Mùi khó chịu cũng có thể là biểu hiện của thịt lợn bệnh.
Những loại thịt lợn không nên mua: Thịt có mùi khó chịu, màu sắc bất thường. (Ảnh: Tastingtable)
Màu sắc quá nhợt nhạt hay quá đậm (thâm, đỏ sẫm, xanh tái) đều là dấu hiệu cho thấy miếng thịt đó không hề an toàn, nếu mua về ăn sẽ rất dễ bị ngộ độc hoặc rối loạn tiêu hóa. Thịt có màu lạ thường là loại bị ôi, hỏng hoặc thịt lợn bệnh, thịt bị tẩm hóa chất.
Nếu miếng thịt đem lại cảm giác dính nhớt khi chạm vào, bạn hãy tránh xa vì nó đã bị hỏng vì để quá lâu, vi khuẩn sinh sôi rất nhiều trên bề mặt, ăn vào sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Những miếng thịt trông tươi đẹp nhưng có vẻ ẩm ướt, mọng nước quá mức cũng là loại thịt lợn không nên mua vì có thể người bán đã bơm nước, ngâm nước để tăng cân nặng. Nếu thấy người bán liên tục lấy khăn thấm lên bề mặt miếng thịt để làm khô lượng nước ứa ra, bạn hãy bỏ sang hàng khác vì đây là loại thịt lợn không nên mua.
Theo các chuyên gia, nếu bạn bảo quản thịt ở ngăn mát tủ lạnh thì nên để nhiệt độ khoảng từ 3-5 độ. Ở mức nhiệt này, thịt lợn có thể duy trì độ tươi ngon và dinh dưỡng trong khoảng 5 ngày. Sau thời hạn này, thịt sẽ bắt đầu chuyển màu nhạt, có thể xuất hiện các vết nấm mốc và mất đi chất dinh dưỡng. Lúc này, bạn nên bỏ đi thay vì cố sử dụng.
Còn nếu bảo quản trong tủ đông, thời hạn sử dụng của thịt sẽ dài hơn. Việc thịt lợn để trong tủ lạnh được bao lâu còn tùy thuộc vào nguồn gốc, chất lượng hàng hóa. Với thịt tươi mua ngoài chợ, bạn có thể để được khoảng 1 tháng, còn thịt đông lạnh ở các siêu thị có thể bảo quản trong vòng 3 tháng.
Không nên sử dụng thịt lợn để tủ lạnh hơn nửa năm vì lâu ngày thịt sẽ chuyển sang màu nâu và có thể sản sinh ra các chất có hại.
- Dùng hành khô và gừng: Cho nước vào nồi, thêm muối hạt, hành khô và gừng đập dập, đun sôi rồi cho thịt lợn vào luộc sơ khoảng 2 phút, vớt lên và xả dưới vòi nước lạnh để chúng săn lại. Để thịt ráo nước rồi chế biến món ăn như bình thường.
- Dùng chanh, giấm: Rã đông miếng thịt lợn ít nhất là 8 tiếng. Chuẩn bị hỗn hợp gồm nước cốt từ hai quả chanh, hai thìa muối hạt, ba thìa giấm. Khi thịt được rã đông, bạn đi găng tay rồi chà xát thịt sao cho đều hỗn hợp trên từ 2 - 3 phút rồi để ngấm trong khoảng 10 - 15 phút. Sau khoảng thời gian trên, bạn đem rửa lại với nước sạch là có thể chế biến món ăn.