Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tại sao 'sớm không mua thịt lợn, muộn không mua đậu phụ'?

(VTC News) -

Vì sao dân gian lưu truyền kinh nghiệm "sớm không mua thịt lợn, muộn không mua đậu phụ" và lời khuyên này có thực sự chính xác?

Để có bữa ăn chất lượng, an toàn cho gia đình, khâu đi chợ mua sắm thực phẩm cực kỳ quan trọng. Các bà nội trợ thường lưu ý chọn thời điểm mua sắm hợp lý để chọn được thực phẩm tươi ngon, sạch sẽ nhất. "Sớm không mua thịt lợn, muộn không mua đậu phụ" là một kinh nghiệm được truyền tai nhau từ nhiều đời.

Vì sao sớm không mua thịt lợn, muộn không mua đậu phụ? 

Ngày xưa, khi kinh tế còn khó khăn, thịt lợn là loại thực phẩm khá xa xỉ. Có những gia đình cả tháng chỉ mua thịt lợn vài ba lần. Do đó, những người bán thịt khi bị ế thường gom thịt còn thừa vào cuối ngày để hôm sau bán tiếp. Công nghệ bảo quản thịt trước kia còn lạc hậu nên thịt để qua đêm, dù là vào mùa lạnh, cũng sẽ bị ôi thiu.

Do đó nếu đi chợ quá sớm, lúc trời còn tờ mờ và không để ý kỹ, người tiêu dùng rất dễ mua phải thịt ế từ hôm trước, được người bán "mông má" lại hoặc nhanh tay đánh tráo, bán cho khách. 

Hiện nay, phần lớn các gia đình đều có điều kiện mua thịt ăn hằng ngày nhưng nguồn cung cũng tăng rất cao nên tình trạng thịt chưa bán hết vào cuối ngày vẫn tiếp diễn. Nhiều chủ cửa hàng, quầy hàng vẫn trộn chung thịt cũ với thịt mới để bày bán vào sáng sớm hôm sau. Tuy nhiên, kinh nghiệm "sớm không mua thịt lợn" không còn nhiều giá trị như ngày xưa, vì thịt cũ được để trong tủ bảo ôn hoặc cấp đông sẽ được họ tiếp tục bán sau buổi sáng. 

Để không mua phải thịt cũ, dù là đi chợ, siêu thị vào buổi sáng hay chiều, người tiêu dùng vẫn cần biết cách phân biệt thịt mới và thịt cũ.

 

Giải đáp kinh nghiệm dân gian "Sớm không mua thịt lợn, muộn không mua đậu phụ" (Ảnh minh hoạ: Istock)

Còn "muộn không mua đậu phụ" thì sao? Để có một mẻ đậu phụ đem ra chợ, người bán phải thức dậy sản xuất từ khi trời còn tối. Với điều kiện dụng cụ và cách làm đậu thủ công như ngày xưa, họ khó có thể sản xuất được nhiều mẻ đậu mỗi ngày và làm tiên tục từ sáng đến chiều như hiện nay.

Do đó, nếu mua đậu phụ vào buổi sáng, khách hàng sẽ mua được miếng đậu nóng hổi, tươi ngon. Nếu mua lúc chiều tối, họ sẽ phải nhận những miếng đậu cũ bị để ở nhiệt độ thường suốt cả ngày, không còn ngon nữa, thậm chí đã bị chua, thiu, nhất là vào mùa hè khi thời tiết oi nóng. Do đó bằng kinh nghiệm thực tế, người xưa đưa ra lời khuyên không nên mua đậu lúc chiều muộn. 

Lời khuyên "Sớm không mua thịt lợn, muộn không mua đậu phụ" dựa trên kinh nghiệm đi chợ của các bà nội trợ từ thời xa xưa, khi nền sản xuất còn kém, chợ ít người và mức độ lưu thông hàng hóa thấp. Hiện nay, chợ truyền thống phải cạnh tranh với các siêu thị cả về giá cả lẫn chất lượng thực phẩm. Quá trình giết mổ, vận chuyển thịt lợn cũng như làm đậu phụ diễn ra nhanh hơn, đủ để cung cấp ra thị trường liên tục trong ngày.

Do đó, dù đi chợ lúc sáng sớm hay chiều muộn, bạn đều có thể mua được thịt tươi cũng như đậu phụ mới. Mặc dù hàng cũ vẫn được trà trộn, bạn có thể học cách nhận biết để không mua nhầm.

Cách chọn mua thịt lợn ngon 

Để mua thịt lợn ngon, bạn hãy ấn ngón tay vào phần thịt và quan sát, nếu không có vết lõm hay bị dính tay thì đó là thịt tươi.' Nếu mua thịt trong siêu thị, bạn nên chọn những miếng khô ráo, chưa rỉ nước ra khay hay bao gói. Thịt không nên quá mềm khi được bảo quản trong ngăn lạnh.

Dựa vào màu sắc thịt, bạn cũng có thể chọn được miếng ngon nhất. Nếu màng thịt bên ngoài khô, có màu đỏ tươi hay đỏ sẫm thì đó là miếng thịt tươi. Miếng thịt ôi thiu sẽ có màu nâu, xám, đỏ thâm hay xanh nhạt.

Đường vân chất béo trên bề mặt miếng thịt càng rõ thì càng ngon. Tuy nhiên, bạn không nên chọn miếng thịt lợn quá nhiều chất béo vì thịt dễ bị cứng. Còn thịt bò hay gà còn non sẽ có vân màu trắng, những con già lại có vân mỡ màu vàng.

Cách chọn mua đậu phụ ngon

Một miếng đậu phụ ngon thường trắng ngà, còn đậu phụ có thạch cao thường có màu vàng rõ hơn, càng vàng thì càng nhiều thạch cao. 

Cầm thử miếng đậu lên xem xét, nếu bạn thấy nhẹ tay, rất mềm mại thì đó là miếng đậu ngon. Nếu miếng đậu nặng, cầm chắc, hơi cứng, miếng vuông  thành sắc cạnh thì sẽ không ngon.

Miếng đậu ngon sẽ có mùi thơm hấp dẫn, còn miếng đậu có thạch cao có mùi vôi hoặc không ngửi thấy mùi gì.

Minh Anh (tổng hợp)

Tin mới