Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công
Nghị định 72/2023 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11.
Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên 1 ô tô, kể cả sau khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá.
Chức danh được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Ủy viên Trung ương được sử dụng xe công 1,6 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: VGP)
Chức danh được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1,6 tỷ đồng gồm: Ủy viên Trung ương Đảng chính thức; Trưởng ban, cơ quan Đảng ở Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Chức danh được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1,55 tỷ đồng gồm: Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Trưởng tổ chức chính trị - xã hội Trung ương được ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động...
Chức danh được sử dụng thường xuyên 1 xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1,5 tỷ đồng gồm: Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Giảm 30% tiền thuê đất năm 2023
Từ ngày 20/11, Quyết định 25 của Thủ tướng về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023 chính thức có hiệu lực.
Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hàng năm (người thuê đất).
Quy định này áp dụng cho cả trường hợp người thuê đất không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê đất, hết thời hạn được miễn, giảm tiền thuê đất và trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai) và pháp luật khác có liên quan.
Quyết định của Chính phủ cũng nêu rõ, không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).
Cũng theo quyết định, mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 01/2023 của Thủ tướng).
Nhiều tổ chức được thu phí xuất cảnh, nhập cảnh
Thông tư 62 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 25/2021 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam) của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành từ ngày 18/11.
Khách quốc tế làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam tại cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh: TTXVN)
Theo đó, tổ chức thu phí là Cục Quản lý xuất nhập cảnh; công an, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố; công an cấp quận/huyện thuộc tỉnh, thành phố; công an xã/phường/thị trấn.
Tổ chức thu phí được trích lại 25% (thay cho mức 20% quy định tại Thông tư 25) số tiền phí thu được để trang trải các nội dung chi theo quy định tại Nghị định 120/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và Lệ phí.
Các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi trong lĩnh vực xây dựng
Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 08/2023 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc trong lĩnh vực xây dựng.
Cụ thể, đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, có 15 nhóm vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi vị trí như: kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng;…
Tương tự, tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực xây dựng tại chính quyền địa phương cũng có 15 nhóm vị trí phải định kỳ chuyển đổi như: Thẩm định, lập kế hoạch, kiểm soát, giám sát, điều phối, đền bù, giải phóng mặt bằng; kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng; thẩm định nhiệm vụ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng…
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức công tác tại các vị trí nêu trên là từ đủ 3 - 5 năm. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm cấp có thẩm quyền ban hành văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với công chức, viên chức.
Thông tư 08/2023 có hiệu lực từ ngày 20/11.