Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhìn lại 12 ngày đêm rực lửa của chiến dịch 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không'

(VTC News) -

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu được nghe chia sẻ của Anh hùng Phạm Tuân khi trực tiếp tham gia chiến dịch và xem các tiết mục nghệ thuật tái hiện 12 ngày đêm năm 1972.

Sáng 26/12, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô, TP Hà Nội phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không (12/1972 - 12/2022).

Lễ kỷ niệm nhằm tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, lực lượng vũ trang Thủ đô về chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" - chiến thắng lịch sử có ý nghĩa thời đại, thể hiện sâu sắc ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam và truyền thống đánh giặc giữ nước vẻ vang của quân và dân ta, nhất là của Quân chủng Phòng không - Không quân; quân dân Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, sớm nhận rõ và dự báo chính xác tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân và dân miền Bắc chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt... Cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh B-52, với sự sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18/12/1972, quân và dân ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B-52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trung tướng Phạm Tuân (Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B-52 trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không) cho biết, cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, quân và dân miền Bắc, mà trực tiếp là quân dân Thủ đô Hà Nội với lực lượng nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân đã anh dũng chiến đấu đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của không lực Hoa Kỳ và làm nên chiến thắng vang dội “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris và rút quân khỏi Việt Nam, tạo bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Trung tướng Phạm Tuân, với sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ và Trung ương Đảng, chúng ta đã sớm khẳng định: Mỹ sẽ dùng B-52 đánh ra Hà Nội trước khi chịu thua ở Việt Nam. Từ nhận định này, Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo cho Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị đánh B-52 từ rất sớm, với tư tưởng chỉ đạo nếu B-52 đánh vào Hà Nội phải bắn rơi tại chỗ, tiêu diệt và bắt sống giặc lái, đánh vào tinh thần của đội ngũ phi công, làm rung chuyển Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Tư tưởng đó được quán triệt xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị và chiến đấu của quân và dân ta.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu, chúng ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại; trong đó có 34 máy bay B-52. Bị thiệt hại nặng nề, đế quốc Mỹ buộc phải kết thúc chiến dịch tập kích đường không, tiếp tục ngồi vào bàn đám phán và ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. 

Tại lễ kỷ niệm, khán giả được nhìn lại 12 ngày đêm rực lửa của chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, thông qua những những tiết mục nghệ thuật đặc sắc.

Màn biểu diễn nghệ thuật tái hiện cảnh người dân Thủ đô đi sơ tán sang các vùng lân cận gây xúc động với các đại biểu.

Tiết mục thể hiện không khí hạnh phúc, tươi vui khi đón một năm mới của quân và dân Thủ đô sau khi giành thắng lợi vang dội trong trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.

Ngô Nhung

Tin mới