Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Lời tiên đoán thần kỳ của Bác Hồ về chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

(VTC News) -

Với dự báo thần kỳ của Bác Hồ về việc Mỹ sẽ đem B-52 đánh miền Bắc, quân và dân ta đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng đương đầu với âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù.

Video: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972”

Chia sẻ với VTC News về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Đại tá Vũ Tang Bồng (chuyên viên cao cấp Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) nhận định, một trong những yếu tố làm nên chiến thắng là tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về âm mưu tập kích bằng đường không của Mỹ nhằm vào Hà Nội, Hải Phòng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm các chiến sỹ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô ngày 25/9/1966. (Ảnh: TTXVN).

Mỹ chỉ chịu thua sau khi thất bại trên bầu trời Hà Nội

“Mối quan tâm về B-52 đã được Bác chỉ ra ngay từ khi đế quốc Mỹ còn chưa trực tiếp can thiệp bằng B-52 vào miền Nam”, ông Bồng nhấn mạnh.

Theo đó, tháng 12/1962, khi chúc mừng ông Phùng Thế Tài nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Bác hỏi: “Chú đã biết gì về B-52 chưa?”.

Trong hồi ký, ông Tài kể lại: “Nghe Bác hỏi mà tôi ngớ ra, không ngờ Bác lại hỏi về loại máy bay này. Thành ra tôi không trả lời được, mặc dù tôi cũng đã được học sơ qua về loại máy bay B-52 này. Thấy tôi lúng túng, Bác cười độ lượng: ‘Nói thế thôi chứ chú biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, là Tư lệnh Bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”.

Đúng như dự báo của Bác, 4 năm sau, ngày 12/4/1966, đế quốc Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom đèo Mụ Giạ (tỉnh Quảng Bình) và sau đó mở rộng ra các mục tiêu quân sự, dân sự và trọng điểm giao thông nhằm phá hoại, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam.

Đại tá Vũ Tang Bồng phân tích, dự báo Mỹ nhất định đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc không phải là “võ đoán” hay ngẫu nhiên mà trên cơ sở khoa học, xem xét, đánh giá tình hình khách quan, toàn diện.

Bác liên tục cập nhật thời sự quân sự, quốc phòng giai đoạn Chiến tranh lạnh, nghiên cứu bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ (tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman, tàu ngầm lớp Ohio và máy bay ném bom B-52, B-2) thông qua các tài liệu nước ngoài…

Bên cạnh đó, thành phố Hirosima và Nagasaki (Nhật Bản) bị Mỹ ném bom nguyên tử. Các thành phố Dresden (Đức), Bình Nhưỡng (Triều Tiên) cũng bị máy bay Mỹ ném  bom… Bác Hồ nhận định không loại trừ khả năng kịch bản ấy xảy ra với Hà Nội.

Chính vì vậy, năm 1967, sau khi nghe ông Phùng Thế Tài (lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách Phòng không - Không quân) báo cáo về sự oanh tạc của B-52, Bác khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Chấp hành chỉ thị của Bác, Cơ quan Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân bắt đầu nghiên cứu phương án đánh B-52. Và từ lúc ta đưa lực lượng vào chiến trường miền Nam trực tiếp nghiên cứu cách đánh B-52 và đánh B-52, Bác thường xuyên theo dõi, chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị kế hoạch đánh B-52, bảo vệ Thủ đô.

Phương án đầu tiên trong tác chiến với B-52 để bảo vệ Hà Nội hình thành, đặt trên bàn làm việc của Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Đặng Tính từ cuối năm 1967, được đóng góp, chỉnh sửa, góp ý, rút kinh nghiệm thực tiễn rất nhiều lần”, ông Bồng kể.

 

Mối quan tâm về B-52 đã được Bác chỉ ra ngay từ khi đế quốc Mỹ còn chưa trực tiếp can thiệp bằng B-52 vào miền Nam.

Đại tá Vũ Tang Bồng

11 phương án được đưa ra để đánh B-52

Theo Đại tá Vũ Tang Bồng, quân đội Nhật Bản, Pháp cho đến Mỹ, mỗi khi đánh Hà Nội, chúng sẽ đánh Hải Phòng trước để rút kinh nghiệm, đánh từ đường giao thông đến kho xăng dầu.

Đúng như dự đoán của ta, ngày 16/4/1972, Không quân Mỹ mở chiến dịch Linerbacker ném bom phá hoại trở lại miền Bắc để đáp trả cuộc tổng tấn công của quân ta đang diễn ra tại Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Vào ngày mở màn, Mỹ đã cho B-52 rải thảm bom xuống Hải Phòng, đồng thời cho hàng chục máy bay chiến thuật ném bom Hà Nội.

Thời điểm Mỹ mở chiến dịch, đúng hôm Trung đoàn 238 và Trung đoàn 285 đang diễn tập đánh B-52 bảo vệ Hải Phòng. Chúng ta nghĩ đó là điều kiện thuận lợi, ứng dụng diễn tập vào thực tiễn luôn. Nhưng không đơn giải như vậy, trận đánh đã diễn ra không đúng như mong muốn”, ông Bồng chia sẻ.

Khu dân cư tại Thượng Lý (Hồng Bàng, Hải Phòng) bị máy bay B-52 ném bom ngày 16/4/1972. (Ảnh: TTXVN).

Từ 3h đến 16h ngày 16/4/1972, Mỹ huy động 270 lần máy bay (trong đó có 9 chiếc B-52) tập trung đánh TP Hải Phòng. Trong trận đánh này, không quân Mỹ đã có rất nhiều bước cải tiến mạnh mẽ về mặt kỹ thuật, nhất là hệ thống gây nhiễu của máy bay ném bom chiến lược B-52.

Theo những tài liệu ghi lại, mỗi “pháo đài bay” có đến 19 máy gây nhiễu tích cực và gây nhiễu tiêu cực với hơn 900 bó nhiễu, bao gồm hàng chục vạn sợi kim loại dài ngắn khác nhau nhằm “che mắt” đối phương. Ngoài ra, mỗi phi đội B-52 (3 chiếc) đi đánh phá lại kèm thêm rất nhiều máy bay tiêm kích, cường kích bảo vệ...

Về thủ đoạn đánh phá, không quân Mỹ thường xuyên cho các loại máy bay F-4 bay cùng độ cao, phát tín hiệu “đóng giả B-52” để đánh lừa lực lượng phòng không mặt đất, tạo điều kiện cho những tốp B-52 thực hiện ném bom rải thảm mục tiêu. Đây là thủ đoạn mới rất tinh vi và xảo quyệt.

Lực lượng phòng không bảo vệ Hải Phòng đánh trả quyết liệt, phóng hơn 90 quả đạn tên lửa nhưng không bắn rơi được B-52. Ngược lại, một số tiểu đoàn tên lửa bị không quân Mỹ đánh trúng trận địa, gây hỏng khí tài. Nhiều công trình thành phố bị đánh sập, một bộ phận cán bộ, chiến sỹ cùng hàng nghìn người dân Hải Phòng thương vong.

Thương vong ở Hải Phòng rất nặng nề, hơn 1.000 người chết. Hồi đó, mỗi bệnh viện chỉ có sẵn trên dưới chục chiếc quan tài, vậy nên 9 tỉnh phải viện trợ quan tài cho Hải Phòng. Nói thế để thấy mức độ tang thương, khủng khiếp thế nào”, ông Bồng nói.

Cùng ngày hôm đó, Mỹ đưa những máy bay cường kích F-4 bay ở độ cao 9-10 km và đường bay ổn định để đóng giả B-52, lẻn vào Hà Nội từ phía tây. “Sư đoàn 361 cũng bắn lên 39 quả đạn nhưng không trúng chiếc máy bay nào. Hậu quả, Tổng kho xăng dầu Đức Giang bị thiêu hủy một phần lớn, cháy hơn 1 tuần mới tắt”, ông Bồng thuật lại.

Sau vụ này, Lầu Năm Góc tuyên bố chắc chắn: “Bằng kỹ thuật điện tử, không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống radar của Bắc Việt, có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng không của đối phương… Giờ đây, Không quân Mỹ có thể ném bom vào bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Bắc Việt Nam như đi dạo chơi”.

Ngược với sự phấn khích của Mỹ, bộ đội của ta những ngày này rất căng thẳng. Nhiều cuộc họp đã được tổ chức để rút kinh nghiệm và tìm ra nguyên nhân thất bại của trận đánh ngày 16/4/1972.

Nhiều cán bộ chuyên môn cũng được Bộ Tổng Tham mưu cử đến hỗ trợ. Sau những cuộc kiểm điểm nghiêm túc, Quân chủng Phòng không đã nhận rõ thủ đoạn mới của địch là dùng F-4 giả làm B-52.

Đến giữa tháng 11/1972, trước thái độ lật lọng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, Bộ Chính trị họp bàn, khẳng định quyết tâm đánh bại mọi hành động leo thang chiến tranh của Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến của Nhân dân ta giành thắng lợi to lớn hơn nữa.

Ngày 22/11/1972, Trung đoàn tên lửa 263 của ta bắn trúng máy bay B-52 của Mỹ và rơi gần biên giới Lào - Thái Lan (cách vị trí bắn khoảng 200 km). Đây là chiến công có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra khả năng ta hoàn toàn có thể bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B-52 của Mỹ, cổ vũ động viên tinh thần to lớn cho quân dân Việt Nam.

Qua nghiên cứu, các cán bộ kỹ thuật của ta phát hiện ra rằng máy bay B-52 có những điểm mù và nhiễu mà mình có thể đoán biết được. Xây dựng phương án đầu tiên là bắn đuổi, bắn đón, bắn nửa góc… nhưng mình cứ thực hiện phương án nào thì địch lại cải tiến, thay đổi khiến mình không bắn được.

Mãi cho đến ngày 26/11/1972, trước sự kiện 12 ngày đêm chưa đầy 1 tháng, tài liệu “Cách đánh B-52” mới được Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng duyệt. Đây cũng là phương án thứ 11 mà chúng ta đã xây dựng”, ông Bồng cho hay.

Tài liệu "Cách đánh B-52". (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân).

Bên cạnh đó, các mặt công tác bảo đảm, nhất là bảo đảm kỹ thuật được xúc tiến một cách có hiệu quả. Ta khẩn trương xây dựng một số sân bay dã chiến bí mật ở vòng ngoài; bố trí thêm nhiều trận địa nghi binh, trận địa dã chiến cho bộ đội tên lửa, bộ đội cao xạ cơ động; bố trí thêm một số trạm ra-đa nhằm “tăng độ dài cánh sóng”...

Đại tá Vũ Tang Bồng kể, tại các địa phương, lực lượng dân quân tự vệ được trang bị thêm nhiều loại súng máy, pháo cao xạ và phương tiện cấp cứu. Việc sơ tán các kho hàng, sơ tán nhân dân ở Hà Nội, Hải Phòng được thực hiện khẩn trương.

Toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng bao gồm 6 trung đoàn tên lửa phòng không, 4 trung đoàn không quân tiêm kích, 16 trung đoàn và 22 tiểu đoàn pháo phòng không, 4 trung đoàn radar, 346 đơn vị pháo và súng máy phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân.

Duy nhất Việt Nam bắn hạ được “pháo đài bay B-52”

Từ 18 - 30/12/1972, đế quốc Mỹ sử dụng 663 lần B-52 và 3.920 lần máy bay chiến thuật, ném hơn 100.000 tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Ở Hà Nội, Mỹ sử dụng 441 lần B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng nghìn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học...

Xác máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 21/12/1972. (Ảnh:TTXVN).

Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.

Với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại, làm nên chiến thắng vang dội và niềm kiêu hãnh - “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, gồm 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111A, 21 chiếc F-4CE, 4 chiếc A-6A, 12 chiếc A-7, 1 chiếc F-105D; 2 chiếc RA-5C, 1 trực thăng HH-53, 1 máy bay trinh sát không người lái 147-SC, bắt sống và diệt nhiều giặc lái.

Chỉ hơn 10 ngày, Không quân Hoa Kỳ mất gần 100 phi công, phần lớn bị chết và bị bắt đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay rất cao.

Đại tá Vũ Tang Bồng cho biết,  đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia đầu tiên và duy nhất bắn hạ được máy bay B-52 của Mỹ. “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã bắn rơi 68 chiếc B-52. Nhưng điều đặc biệt là chỉ có 12 ngày đêm cuối năm 1972 ta mới bắn rơi B-52 tại chỗ”, ông Bồng nói.

Người dân Thủ đô theo dõi tin chiến thắng qua bảng thông tin trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN).

Ông Bồng nêu, tổng số máy bay B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” là 34, trong đó 18 chiếc rơi tại chỗ, trên lãnh thổ nước ta, thậm chí rơi ngay gần trận địa tên lửa.

Sau chiến tranh Việt Nam, B-52 xuất hiện nhiều lần trong các cuộc chiến ở Trung Đông, Nam Tư, Iraq, Libi… nhưng không một quốc gia nào bắn rơi được “pháo đài bay” này, mặc dù trang bị vũ khí của các nước rất hiện đại.

Anh Văn

Tin mới