Bài thi sát hạch lái xe bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông là 1 trong 4 bài thi mà học viên lái ô tô phải vượt qua để được cấp bằng lái. Trong bài thi mô phỏng, thí sinh sẽ nhìn tình huống được phát trên màn hình và nhấn phím cách khi khoảnh khắc nguy hiểm xuất hiện.
Thí sinh nhấn đúng khoảnh khắc sẽ được điểm tối đa (5 điểm) và số điểm giảm dần về 4, 3, 2, 1 khi bấm trễ hơn. Chỉ cần nhấn space lệch ra khỏi phổ điểm trên (bấm quá chậm hoặc quá sớm), thí sinh sẽ bị 0 điểm.
Rất nhiều học viên cho biết mất điểm oan vì phần mềm không rõ ràng, mang tính đánh đố nhiều hơn thực tế.
Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Cục đã có những chỉnh sửa và học viên sẽ được học phần mềm mới từ đầu tháng 2 tới.
"Phần mềm mô phỏng hiện tại mô tả nhiều tình huống chưa rõ ràng, khó phân biệt. Cục đã điều chỉnh lại để làm rõ các tình huống, cũng đã yêu cầu đơn vị thiết kế làm lại các hình ảnh mờ cho rõ nét, dễ nhận biết hơn. Về nội dung 120 tình huống không thay đổi nhưng thời gian nhận biết tình huống cũng sẽ điều chỉnh lại", ông Thống nói.
Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ phần thi mô phỏng trong cấp phép lái xe. (Ảnh minh họa: daylaixehanoi.vn)
Theo ông Thống, phần mềm mô phỏng trong thi cấp phép lái xe được Cục Đường bộ triển khai từ 15/6/2023. Thời gian đầu, tỷ lệ đạt yêu cầu chưa cao, chỉ khoảng 40 - 50% do người học chưa quen và thời gian nhận biết tình huống cũng ngắn.
Sau đó, Cục đã điều chỉnh 1 lần, hiện tại, tỷ lệ học viên đạt yêu cầu khoảng gần 80% chỉ tính riêng phần thi mô phỏng.
Đại diện Cục Đường bộ cũng nhấn mạnh, phần thi mô phỏng tình huống lái xe mục đích không phải để yêu cầu người học có kỹ năng xử lý tình huống mà để họ nhận biết thế nào là tình huống mất an toàn giao thông.
"Phần thi này cũng giống như thi lý thuyết thôi, thực chất để người học trang bị thêm kỹ năng nhận biết các tình huống như đá rơi hay người đi bộ sang đường, ô tô lùi trên cao tốc...từ đó phòng tránh rủi ro khi lái xe", ông Thống nói.
Ông Lương Duyên Thống cũng cho biết phần mềm thi mô phỏng tình huống lái xe đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và có hiệu quả. Từ tháng 11/2021, Cục Đường bộ đã chuyển giao các kịch bản, tình huống mô phỏng trong phần mềm để các cơ sở đào tạo hướng dẫn học viên các khóa học, sau đó đến 6 tháng sau mới đưa vào phục vụ sát hạch.
"Đây hoàn toàn là phần thi nhận biết, hơn nữa đã có thời gian tập huấn và hướng dẫn rồi nên không cần thí điểm", ông Thống nói.
Sau hơn 5 tháng triển khai, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các Sở GTVT, chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị xây dựng phần mềm điều chỉnh, nâng cấp phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các Sở GTVT, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cập nhật phần mềm.
Các nội dung đã điều chỉnh gồm:
1. Điều chỉnh đồ họa các tình huống: Đồ họa lại một số tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để nâng cao chất lượng hình ảnh, giúp người học dễ quan sát, nhận diện tình huống hơn.
2. Thay đổi tính năng phần mềm:
a) Phần mềm ôn tập: thêm 3 tính năng
- Bổ sung và hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết
- Bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống trước/sau và hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống
- Phần thi thử được thiết kế giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen.
b) Phần mềm sát hạch:
- Tăng thời gian đếm ngược (nghỉ) giữa các tình huống từ 3s lên 10s để học viên có thêm thời gian chuẩn bị
- Điều chỉnh không cho click đúp vào phần video; khi mở phần mềm thì giao diện chiếm toàn màn hình, không hiển thị thanh taskbar của Windows
- Kéo dài mốc thời gian chấm điểm (từ mốc 5đ đến mốc 0đ) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác bàn phím máy tính.
Phần mềm sẽ được các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cập nhật để học viên ôn luyện, dự kiến chính thức sử dụng để sát hạch từ ngày 1/2/2024.