Sáng 27/12, lễ viếng cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý diễn ra tại nhà tang lễ TP.HCM. Ông qua đời vào chiều 26/12, hưởng thọ 94 tuổi. Sáng 29/12, linh cữu cố nhạc sĩ sẽ được đưa đi an táng ở nghĩa trang Hoa viên Bình Dương.
Thái Linh - con gái cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đứng bên linh cữu, cúi lạy cảm ơn khi có người đến viếng, thắp nhang. Trước đây, khi câu chuyện nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sống trong căn nhà ọp ẹp được chia sẻ, nhiều người chỉ trích bà Thái Linh vì có nhà cao cửa rộng nhưng không đón ba về ở cùng. Thế nhưng, con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nói, bà từng đón ông về ở cùng, sắp xếp cho ba căn phòng nhìn ra hồ cảnh nhưng chỉ vài tháng, ông đòi về.
Cháu và chắt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chịu tang ông.
NSND Kim Cương đến viếng cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Năm 2016, dù lúc đó đang ngồi xe lăn vì tuổi già sức yếu nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn cố gắng đến tham dự một sự kiện của NSND Kim Cương khiến bà không khỏi xúc động.
Nhạc sĩ Trần Tiến.
Nhiều đồng nghiệp, bạn bè đến tiễn đưa, nhìn mặt cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lần cuối. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925 tại Vinh, Nghệ An và xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, cụ thân sinh của ông biết hát văn, hát chèo, hát ả đào. Năm 1949, "Ai xây chiến lũy" - sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ra đời. Trong sự nghiệp của mình, cố nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc như "Bài ca phụ nữ Việt Nam", "Dáng đứng Bến Tre", "Dư âm", "Mẹ yêu con", "Màu áo chú bộ đội", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa"...
Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Sáng 29/12, linh cữu của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sẽ được đưa đi an táng ở nghĩa trang Hoa viên Bình Dương - nơi có nhiều nghệ sĩ đang an nghỉ như nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Sơn Nam, soạn giả Viễn Châu...