Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhạc sĩ Phú Quang tạo ra trường phái riêng mang tên mình

(VTC News) -

Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, nhạc sĩ Phú Quang là người định hình một lối đi riêng mang tên mình, tạo thế giới riêng âm nhạc riêng cho Hà Nội.

Nhạc sĩ Phú Quang qua đời sáng 8/12 ở tuổi 72 sau thời gian khá dài chiến đấu với bạo bệnh. Nhắc đến ông, khán giả luôn nhớ đến những bản tình ca về Hà Nội, cũng như khi nhắc đến Hà Nội trong âm nhạc, mọi người đều nghĩ đến Phú Quang.

Trường phái riêng mang tên Phú Quang

Nói về nhạc sĩ Phú Quang, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ với VTC News: "Điểm đặc biệt nổi bật trong các sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang là tính trữ tình, tự sự, thiên về nội tâm. Ông tạo ra được thế giới riêng của mình bằng âm nhạc, định hình lối đi riêng mang tên nhạc Phú Quang.

Trong các ca khúc của Phú Quang, tính trữ tình, tự sự, có lúc lại bùng cháy, có lúc dịu dàng, sang trọng mà bình dị. Người nghe luôn cảm nhận được thế giới nội tâm ngập tràn những tâm sự trong âm nhạc của Phú Quang”.

Nhạc sĩ Phú Quang

Nhạc sĩ Phú Ân, anh trai Phú Quang cũng đồng tình với nhận xét trên. Ông nói thêm: “Phú Quang ít quan tâm đến các vấn đề thời sự hay câu chuyện thời cuộc mà chỉ loanh quanh với những cảm xúc, nỗi niềm riêng; nhưng khán giả luôn thấy bóng dáng, tâm tư của chính mình trong đó. Âm nhạc của Phú Quang không có khẩu hiệu, chỉ có tấm lòng".

Theo ông Nguyễn Quang Long, mô-típ thường gặp nhất trong các sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang là đoạn một tự sự, đoạn hai bùng cháy. Nó được lặp lại trong rất nhiều tác phẩm khiến người nghe cảm thấy quen thuộc.

“Thực ra, có thể mô-típ này hiện hữu trong nhiều các sáng tác trước đó, song phải tới Phú Quang, nó mới được định hình rõ nét, mạnh tới mức ai đó lỡ sáng tác theo mô-típ này dường như cũng bị quy vào thuộc trường phái Phú Quang" – nhà phê bình âm nhạc nói.

Nhạc sĩ của Hà Nội

Nhiều người gọi Phú Quang là nhạc sĩ của những ca khúc về Hà Nội. Ông từng tự nhận: “Tôi yêu Hà Nội cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác”.

Không sinh ra ở Hà Nội nhưng vẫn luôn coi đây là quê hương, với ông, viết nhạc về Hà Nội là bổn phận: “Tôi viết để trả nợ cho mảnh đất quê hương, nơi tôi lớn lên, nơi có căn nhà của mẹ cha tôi đã đổ sập sau những trận bom B52, nơi cùng tôi hoài thai nên những ước mơ của tuổi trẻ; nơi tôi đã ra đi, đã đáu nhớ thương và đã trở về….”.

Hà Nội của nhạc sĩ Phú Quang thường trầm mặc, buồn và lặng lẽ. Đó là cây bàng mồ côi, mảnh trăng mồ côi, góc phố mồ côi. Hà Nội của ông yên bình, lịch lãm với nét rêu phong phố cũ, với mái nhà đỏ thánh thót tiếng dương cầm, một Hà Nội ngây ngất nắng, run run heo may, đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương… Vẻ đẹp đó làm xao xuyến cả những người chưa từng đến mảnh đất này.

Nhạc sĩ Phú Ân cho biết: “Quang là yêu Hà Nội lắm. Trong 20 năm vào TP.HCM sinh sống, Phú Quang lúc nào cũng đau đáu nhớ về Hà Nội, nơi có gia đình, bạn bè và những người thân yêu”.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét: "Nhạc sĩ Phú Quang dường như sinh ra để dành cho Hà Nội. Ông tạo một phong cách trữ tình mang dấu ấn Hà Nội, tạo một thế giới âm nhạc riêng cho Hà Nội trong lòng công chúng yêu nhạc cả nước".

Một Phú Quang đào hoa

Cùng với Hà Nội, phụ nữ cũng là chủ đề lớn trong nhạc Phú Quang. Nhiều người nhận xét, âm nhạc của ông âm tính nhiều hơn dương tính. Phần lớn các nhân vật trong sáng tác của con người tài hoa này là "em". Ông rất giỏi khi viết về nỗi niềm sâu thẳm của người đàn bà, những buồn vui, mất mát, khát khao của họ.

Ông Nguyễn Quang Long nhận xét: “Những người phụ nữ trong âm nhạc của Phú Quang đều cam chịu, tảo tần, giàu đức hy sinh và chất chứa nhiều tâm sự".

Còn Phú Ân từng chia sẻ: "Phú Quang cương trực, thẳng thắn nhưng giàu tình cảm. Quang đào hoa, được nhiều phụ nữ yêu mến và chú ấy cũng rất yêu vẻ đẹp của phụ nữ”.

Phú Quang luôn trân trọng tình cảm mà phụ nữ dành cho mình. Trong phần lớn các sáng tác, Phú Quang đều thể hiện sự áy náy, day dứt, hối hận vì sao có nhau rồi lại mất nhau. Nỗi buồn trong nhạc Phú Quang day dứt nhưng không ủy mị, không sến sẩm và đặc biệt là không tuyệt vọng".  

Phần lớn các sáng tác của Phú Quang đều là phổ thơ. Tuy nhiên, ông hầu như không bao giờ sử dụng cả bài thơ. Ông chỉ chọn lọc những câu thơ hay nhất để tạo nên tác phẩm của mình.

Video: Danh ca Ngọc Tân hát nhạc Phú Quang

Hoàng Anh

Tin mới