Ngày 28/8, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Ban Văn học nghệ thuật (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức ra mắt tập thơ Viễn ca của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh tại Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh là gương mặt nổi tiếng từ phong trào thơ sinh viên Hà Nội những năm 80. Ông có hơn 30 năm làm báo, hiện đang làm Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ về tập thơ thứ 3 mang tên "Viễn ca".
Viễn ca là tập thơ thứ ba của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh sau hai tập thơ Chiều không tên như vết mực giữa đời và Loạn bút hành. Tập thơ mới gồm 39 bài thơ, thể hiện suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc sống, tình yêu khi vào tuổi trung niên.
Chia sẻ về tác phẩm mới nhất, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh nói: "Đối với những người viết lách, trong đường đời của họ sẽ có thêm một chặng hành trình sáng tác. Trong hành trình đó, sẽ có nhiều dấu mốc, nhiều phong cảnh và con đường sáng tác sẽ mang đến nhiều cảm xúc đặc biệt. Như chặng hành trình 5 năm qua của tôi, tôi đã có nhiều trải nghiệm cá nhân, có nhiều sự vẫy gọi và nó đã tạo ra nhiều điều liên tưởng. Chính vì vậy, ‘Viễn ca’ ra đời, tập hợp sáng tác của tôi trong những năm gần đây".
Đánh giá về sáng tác của Nguyễn Tiến Thanh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Tôi bất ngờ khi Nguyễn Tiến Thanh ra mắt tập thơ "Viễn ca". Chúng tôi cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ từ khi Thanh còn là sinh viên. Tôi đã tưởng Tiến Thanh làm quản lý sẽ quên thơ ca, vậy mà một ngày mùa thu, anh lại xuất hiện trở lại trong một tinh thần khác, một giai đoạn và nhịp điệu khác".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá về sáng tác của Nguyễn Tiến Thanh.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Viễn ca có nhiều bài thơ lục bát, khiến ông liên tưởng tới hình ảnh cây trầm, "lá vẫn vậy, cây vẫn vậy nhưng trong ruột cây làm nên hương trầm tích luỹ".
"Thơ Tiến Thanh giống như vậy, anh đi qua cuộc đời này, những buồn vui, cảm hứng, với con mắt mở rộng để nhìn đời sống này, mang lại cho anh những trải nghiệm, tích luỹ. Vẫn là phong cách đấy, không thay đổi hình thức, vẫn rất truyền thống nhưng có sự lãng mạn, phiêu lưu như tuổi thanh xuân. Mỗi ngày lại mang thông điệp lớn hơn bởi chảy trong dòng chảy tư tưởng.
Chính vì thế, nhiều bạn bè khi đọc thơ anh trước kia, đón nhận tập thơ này với sự bất ngờ, sự chiêm nghiệm. Thi ca có nhiều con đường, Tiến Thanh chọn con đường, đi ngầm trong đời sống, đến ngày hiển lộ ra. "Viễn ca" vẫn chứa đựng sự run rẩy của thơ ca song đầy tính triết lý của đời sống này", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói thêm.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng ở thời buổi văn học nói chung và thơ ca nói riêng, không có giữ vị thế trung tâm của đời sống văn hóa như trước đây, những người yêu thơ, biết làm thơ, không bao giờ từ bỏ thơ ca như Nguyễn Tiến Thanh là rất quý.
Viết về tập thơ Viễn ca, nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoài Nam, Báo Nhân Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Tập thơ mới của anh thêm sự giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh.
Nguyễn Tiến Thanh không chủ trương cách tân thơ, thậm chí thơ anh còn nghiêng nhiều về phía cổ điển. Thế nhưng đọc thơ anh luôn cảm nhận được sự mới mẻ nào đó, sự mới mẻ trong thơ của một người thơ không ngừng đào sâu tìm kiếm chính mình và không ngừng suy tưởng về những phương trời viễn mộng”.