Chân chạy của Việt Nam xuất phát ở đường chạy số 8, cạnh tranh cùng 7 vận động viên khác đến từ những quốc gia rất mạnh ở đường chạy 1.500 m như Nhật Bản, Kazakhstan, Kuwait, Kyrgyzstan. Tuy nhiên, cô gái vàng của Việt Nam thực hiện những bước chạy thanh thoát để giúp điền kinh Việt Nam vang danh châu Á.
Nguyễn Thị Oanh duy trì chiến thuật hợp lý, tiết kiệm sức và luôn giữ mình ở nhóm giữa trong phần lớn thời gian thi đấu. Khi còn 2 vòng cuối, Oanh tự tin bứt lên với những bước chạy mạnh mẽ. Chung cuộc, cô băng băng về đích đầu tiên với thành tích 4 phút 15 giây 55 và giành HCV châu lục.
Nguyễn Thị Oanh trên bục vinh quang.
Yume Goto (Nhật Bản, 4 phút 19 giây 29) và Akbayyan Nurnamet (Kazakhstan, 4 phút 21 giây 31) lần lượt về nhì và ba. Cô gái sinh năm 1995 gây bất ngờ lớn bởi chỉ về đích thứ 6 ở chung kết nội dung 3.000 m nữ diễn ra một ngày trước đó.
Đây mới chỉ là tấm HCV thứ 3 trong lịch sử thể thao Việt Nam tại giải điền kinh trong nhà châu Á. Trương Thanh Hằng cự ly 800 m năm 2010 và Bùi Thị Thu Thảo nhảy xa 2018 là hai VĐV Việt Nam gần nhất từng đứng trên bục vinh quang ở giải này.
Oanh hiện là một trong những VĐV điền kinh thành công nhất Việt Nam. Đam mê với điền kinh từ nhỏ, nhưng có lúc Oanh tưởng chừng phải nghỉ thi đấu do mắc bệnh, bị teo cơ và sút còn 44 kg. Bác sĩ đã yêu cầu Oanh dừng tập luyện, nhưng tình yêu mãnh liệt với điền kinh thôi thúc cô xỏ giày, tiếp tục chạy. Sau những nỗ lực, Oanh đã trở lại rồi có tên trong đội tuyển quốc gia và đem vinh quang về cho tổ quốc.
Giải Điền kinh trong nhà vô địch châu Á 2023 quy tụ hơn 500 VĐV đến từ 31 quốc gia châu Á, tranh tài ở 26 nội dung. Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, Lương Đức Phước và Nguyễn Trung Cường là 4 VĐV Việt Nam tranh tài tại giải năm nay. Sau đó, các tuyển thủ sẽ sang Campuchia thi đấu SEA Games 32.