TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện, Hà Nội, cho biết vừa phẫu thuật lấy viên sỏi kích thước lớn cho bệnh nhân T.T.Q. (61 tuổi, trú tại Đô Lương, Nghệ An). Người phụ nữ này nhập viện trong tình trạng cơ thể gầy yếu, chỉ trên 30 kg, đau bụng nhiều.
"Cầm phim chụp X-quang, tôi giật mình vì viên sỏi quá to, chạy dài trên 3 đốt sống lưng, hình dạng như củ gừng già. Tôi quyết định phải mổ mở ngay vì không thể dùng phương pháp tán sỏi", TS Dương Văn Trung nói.
Viên sỏi thận có kích thước gần 10 cm của nữ bệnh nhân. (Ảnh: BSCC)
Sau ca mổ, các bác sĩ đã lấy ra viên sỏi thận có kích thường gần 10 cm, hình dạng phân nhánh phức tạp.
Theo bác sĩ Trung, sỏi nhỏ, đơn giản, chỉ cần thực hiện tán sỏi qua da bằng một đường hầm. Các bệnh nhân có sỏi nhiều nhánh, phải trả qua một nhiều phẫu thuật mới lấy được toàn bộ sỏi.
Vị chuyên gia này cho biết sỏi được tạo ra do sự phối hợp của nhiều nguyên nhân như: Uống ít nước, ăn uống nhiều canxi, rối loạn chuyển hóa, dị dạng đường tiết niệu, di truyền,... Bệnh thường có triệu chứng đau hố thắt lưng. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện đái ra máu, đái buốt, đái rắt...
Để phòng tránh sỏi tiết niệu, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện, khuyến cáo:
- Uống nhiều nước để lượng nước tiểu bài tiết phải trên 2 lít/ngày mới đủ lọc chất độc ra ngoài. Người dân chỉ cần thực hiện được việc này sẽ loại bỏ được 50% nguyên nhân dẫn đến bệnh về sỏi.
- Tăng cường vận động.
- Hạn chế ăn đồ mặn và những thức ăn ôi thiu, những đồ ăn có thể tạo thành sỏi.
Để phát hiện sớm bệnh sỏi thận và các bệnh lý khác, người dân nên khám tổng thể ít nhất một lần/năm. Đặc biệt, những người đã phát hiện có sỏi nên đi khám thường xuyên hơn tại các cơ sở y tế uy tín, bệnh viện chuyên khoa.