Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người dân Sóc Sơn đề nghị 'không gọi tên bãi rác Nam Sơn'

(VTC News) -

Người dân Sóc Sơn (Hà Nội) đề nghị không gọi Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn là bãi rác Nam Sơn vì khiến họ chạnh lòng.

Chiều 30/10, tại UBND huyện Sóc Sơn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội và người dân 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) giải quyết những vấn đến liên quan Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Hộ (người dân sinh sống tại xã Nam Sơn) đề nghị mọi người gọi là Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, không gọi là bãi rác Nam Sơn vì gọi như vậy người dân ở xã thấy rất chạnh lòng.

Ông Lê Văn Hộ đề nghị mọi người không gọi là bãi rác Nam Sơn.

Từng là Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, ông Hộ cho biết, Chi bộ luôn quán triệt không cho bất cứ đảng viên, gia đình đảng viên nào ra chặn xe rác, đồng thời giải thích cho người dân hiểu. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng họ chỉ chặn những xe không đảm bảo vệ sinh môi trường chứ không cản trở giao thông. “Chúng tôi không biết lý giải với họ ra sao”, ông Hộ nói.

Về vấn đề tái định cư, ông Hộ đề nghị áp dụng chính sách đất đổi đất và cương quyết không đền bù cho những hộ lợi dụng chính sách của Nhà nước mua đất để được hỗ trợ. Ngoài ra, thành phố phải yêu cầu các đơn vị phân rác từ gốc thì mới đưa lên đổ để đỡ độc hại cho người dân.

Cũng là người dân xã Nam Sơn, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay bãi rác Nam Sơn quá tải, vùng ảnh hưởng môi trường quá lớn. Tuy nhiên, mức hỗ trợ đối với người dân trong vùng bị ảnh hưởng vẫn chưa có mức tăng cụ thể.

"Theo tôi, đối với người dân ở trong vòng 0-100m nên có mức hỗ trợ ít nhất là 10.000 đồng/ngày/người dân; ở vòng 100-150m là 9.000 đồng/ngày/người thì mới tương đối phù hợp", ông Hùng kiến nghị.

Về đất tái định cư, ông Hùng đồng ý với phương án diện tích cho mỗi hộ là 120m2. Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị đối với những hộ chỉ có 60m2 đất thì cho người dân bù tiền để mua 120m2 ở khu tái định cư. Còn đối với những hộ có 400m2 thì cho đổi 240m2 đất ở khu tái định cư.

Theo ông Nguyễn Văn Chính (người dân xã Nam Sơn), tài sản trên đất của ông được áp giá đền bù từ năm 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa được đền bù nên ông đề nghị áp giá lại vì giá trị tài sản đã tăng. Ông Chính cho biết, vườn nhà ông có 100 cây bưởi, mỗi năm cho giá trị 1 triệu đồng/cây, tăng hơn so với 2 năm trước. 

Lý giải về hành động chặn xe rác, bà Hoàng Thị Mai (người dân xã Hồng Kỳ) cho biết, người dân ở trong vùng ảnh hưởng 500m quá bức xúc vì mùi hôi thối không chịu nổi. Về mức đền bù, bà Mai đề nghị đưa ra mức thỏa đáng để người dân mua được đất, làm nhà ở khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Bà Mai rất mong muốn thành phố chia sẻ với những vất vả của bà con nhân dân sống gần vùng bãi rác Nam Sơn.

Trước đó, phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ những khó khăn, vất vả với người dân sống quanh các bãi rác trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn.

"Đây là sự hy sinh rất lớn của người dân để đóng góp chung vào công tác vệ sinh môi trường của Thủ đô. Trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, tại buổi đối thoại này, chúng tôi mong muốn lắng nghe ý kiến của người dân và cán bộ địa phương. Trên cơ sở đó, dựa trên thẩm quyền cho phép, trong khuôn khổ của pháp luật giải quyết dứt điểm vụ việc", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi đối thoại.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thông báo một số kiến nghị của người dân đã được thành phố giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân như: cấp thẻ bảo hiểm y tế cho ngời dân ngoài khu vực chịu ảnh hưởng 1000m; giải quyết nhu cầu nước sạch cho các hộ dân qua việc đầu tư mở rộng 3 trạm cấp nước tại Vân Trì (Đông Anh).

Đồng thời, TP chấp thuận về mặt chủ trương các phương án đền bù cho một số hộ dân theo đúng sổ đỏ có diện tích vượt quá quy định, các trường hợp này sau đó sẽ chuyển cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, nếu vi phạm quy định của pháp luật sẽ xử lý. Thực tế cũng có trường hợp người dân Sóc Sơn trả lại tiền được đền bù.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, việc người dân kiến nghị là hoàn toàn bình thường và hợp pháp. Thông qua những kiến nghị này, các cơ quan chức năng của thành phố sẽ giải quyết. Tuy nhiên, việc người dân tổ chức chặn xe rác là hành vi vi phạm pháp luật, thành phố sẽ xử lý vi phạm.

Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn được quy hoạch đến năm 2020 với quy mô 157ha, đến năm 2030 là 257ha và đến năm 2050 là 280 ha tại các xã Bắc Sơn, Nam Sơn và Hồng Kỳ. Giai đoạn 1 được đầu tư xây dựng và hoạt động từ năm 1999 với quy mô 83,83ha.

Năm 2011, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 2 với diện tích 73,73ha và được Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, các xã tích cực thực hiện.

Đến nay hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) khu phía Nam (xã Hồng Kỳ, Nam Sơn 36,26ha), còn 37,47ha thuộc xã Bắc Sơn huyện đang tiếp tục thực hiện công GPMB.

Tháng 10/2016, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 1 được phủ vải bạt đóng bãi, bắt đầu đổ rác sang ô chôn lấp của giai đoạn 2.

Sau hơn 20 năm hoạt động, đến nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn tiếp nhận rác với công suất lên đến trên 5.000 tấn/ngày, đêm. Xử lý chất thải sinh hoạt cho 17/31 quận, huyện, chiếm 77% lượng rác toàn thành phố.

Lượng nước rỉ rác thu được từ các ô chôn lấp rác hiện nay khoảng trên 2.000m3/ngày đêm và lượng nước tồn đọng chưa kịp xử lý vẫn còn. Hàng ngày có khoảng 550 xe chở rác lên Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn của 27 đơn vị vận chuyển trên thành phố. Xe chạy nhiều vào thời gian từ 19h đến 23h hàng ngày.

Tùng Lâm

Tin mới