Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Người đàn ông 51 tuổi ở Quảng Nam suýt mù do bị ong đốt

Bị ong đốt, mắt phải người đàn ông lâm tình trạng phù toàn bộ giác mạc, trung tâm giác mạc có ngòi ong cắm sâu 2/3 bề dày.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam vừa cấp cứu nam bệnh nhân 51 tuổi bị ong đốt toàn thân nguy kịch.

Bệnh nhân cho biết lúc chặt phá cây trong vườn nhà, do sơ ý đập trúng tổ ong, nên anh bị ong đốt toàn thân, trong đó có 1 vết ong đốt vào mắt bên phải khá nặng.

Nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có nhiều vết ong đốt, mắt phải thị lực AS (+), kết mạc cương tụ, nhăn màng sesetmet, phù toàn bộ giác mạc, trung tâm giác mạc có ngòi ong cắm sâu 2/3 bề dày.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy ngòi ong, sát khuẩn, uống thuốc kháng viêm và tra thuốc nhỏ mắt.

Sau 4 ngày điều trị tích cực, mắt phải của bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục tốt, đỡ nhức, thị lực tăng, giác mạc giảm phù. Tuy nhiên, bác sĩ phát hiện có tình trạng đục thủy tinh thể nên cho bệnh nhân ra viện về nhà điều trị tiếp, hẹn ngày tái khám.

 Bệnh nhân bị ong đốt vào mắt gây chấn thương giác mạc. (Ảnh: BVCC)

Theo BS CKI Lê Văn Hiếu – Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quang Nam, thông thường, bệnh nhân nhập viện do ong đốt là phổ biến, nhưng tai nạn ong đốt vào mắt là tương đối hiếm. Ở trường hợp này, ong có thể đốt vào mi, giác mạc hoặc kết mạc. Tổn thương khi ong đốt vào giác mạc là nặng nhất.

“Sau khi đốt, ngòi ong (có nọc độc) thường bị đứt và lưu lại tổ chức. Ngoài tổn thương gây ra cho giác mạc, nọc độc của ong có thể gây ra tình trạng đục thủy tinh thể, glôcôm, viêm màng bồ đào trước, viêm hắc võng mạc, viêm thị thần kinh, có thể gây mù vĩnh viễn”, bác sĩ Hiếu nói.

Cách sơ cứu nạn nhân bị ong đốt

Theo các chuyên gia, bị ong đốt nhẹ thì có thể bị sưng, đau, phù nề, nặng sẽ có nguy cơ sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp, co giật, thậm chí mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, việc hiểu rõ cách sơ cứu ban đầu cho các nạn nhân bị ong đốt là vô cùng cần thiết.

Theo đó, khi phát hiện có người bị ong đốt, việc đầu tiên bạn cần làm là đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong càng nhanh càng tốt. Tiếp đó bạn nên đặt nạn nhân nằm yên, hạn chế cử động.

Tuyệt đối không dùng tay nặn nọc độc vì túi độc có thể vỡ làm lan nọc ra thấm sâu vào cơ thể. Bạn có thể dùng nhíp để gắp nọc độc (nếu hiểu biết).

Đối với vết thương do ong đốt, mọi người cần rửa sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát trùng rồi chườm đá, khăn lạnh nên vùng da bị tổn thương để giảm sưng, đau. Bạn cũng cần cho nạn nhân uống nhiều nước để thải bớt độc tố ra khỏi cơ thể.

Khi thấy nạn nhân có những biểu hiện như tím tái, khó thở, phù mí mắt hay tụt huyết áo, bạn cần nhanh chóng đưa người này tới cơ sở y tế nơi gần nhất. Bởi rất có thể, trường hợp này bị sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Video: Điều gì xảy ra với cơ thể khi bị 1.000 con ong đốt 1 lúc

Khả Minh

Tin mới