Bác sĩ Trịnh Thị Nga - chuyên khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, gút là bệnh lý diễn ra do nồng độ acid uric máu vượt quá ngưỡng bão hòa của cơ thể, uric đi ra các cơ quan (thường gặp nhất là khớp, phần mềm, thận…) gây triệu chứng sưng đau khớp, sỏi thận, hạt tophi.
Gút là một trong những bệnh lý liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống, luyện tập. Do đó việc kiểm soát ăn uống, luyện tập hợp lý sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát một phần uric máu, giữ cân nặng hợp lý, hạn chế những đợt gút cấp tính.
Để giữ gìn sức khỏe ổn định, người bệnh cần tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin C (cam, dâu tây, bưởi, ớt chuông,…), bảo đảm uống ít nhất 2 lít nước/ngày (nếu bệnh thận mạn tính, suy tim cần xin ý kiến bổ sung điều trị trước khi tăng lượng nước uống vào).
Gút là một trong những bệnh lý có liên quan chặt chẽ tới chế độ ăn uống. (Ảnh minh họa)
Người bệnh cũng cần hạn chế ăn hải sản, thịt đỏ, nội tạng động vật, nấm, đậu khô, đậu Hà Lan và các đồ chứa nhiều chất béo.
Người bệnh gút nên tuyệt đối kiêng rượu, bia, đồ uống có ga, tránh uống nước ngọt, nước tăng lực.
Bên cạnh thực hiện chế độ ăn uống nghiêm ngặt, người bệnh cần duy trì cân nặng vừa phải với thể trạng, tránh thừa cân, béo phì; tập thể dục thường xuyên, vừa sức; kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Cũng theo BS Nga, khi mắc bệnh gút, người bệnh thường khó chịu với triệu chứng đau, viêm.... Những dấu hiệu này thường gây nhầm lẫn với các bệnh lý cơ xương khớp thường gặp khác, dễ khiến người bệnh chủ quan, bỏ sót.
Nhiều người còn chủ quan cho rằng bệnh này không nguy hiểm bằng bệnh đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, ung thư nên thường tự ý đi mua thuốc uống, khi thấy triệu chứng cải thiện lại tự ý bỏ thuốc.
Bác sĩ khuyến cáo người dân khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, cần đến các cơ sở y tế thăm khám để tránh gây biến chứng, đau đớn và khó chịu.