Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh đã thử nghiệm phản ứng của sữa mẹ với các tế bào phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhóm đã dùng sữa mẹ lưu trữ từ năm 2017 - trước khi đại dịch xảy ra. Các tế bào được lựa chọn đa dạng từ tế bào thận động vật đến tế bào phổi và ruột của người trẻ.
Kết quả thu được giống nhau: hầu hết virus còn sống đều bị sữa mẹ tiêu diệt.
“Sữa mẹ đã ngăn chặn sự liên kết, xâm nhập và cả sự nhân lên của virus”, nhóm nghiên cứu do giáo sư Tong Yigang từ Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh viết trong hai bài báo đăng trên biorxiv.org hôm 25/9.
Trước đó, việc cho con bú được coi là làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Tại Vũ Hán, nơi virus được phát hiện đầu tiên, trẻ sơ sinh được tách khỏi những bà mẹ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và được nuôi hoàn toàn bằng sữa công thức, truyền thông Trung Quốc đưa tin vào tháng 2, theo South China Morning Post.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khi đó cũng cảnh báo rằng những đứa trẻ bú sữa từ người mẹ bị nghi ngờ hoặc được xác nhận nhiễm COVID-19 có thể được coi là người bị nghi “mang mầm bệnh”.
Nghiên cứu mới chỉ ra sữa mẹ có thể giúp ngăn ngừa COVID-19. (Ảnh: UNICEF)
Nghiên cứu mới nhất ủng hộ quan điểm chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng các bà mẹ nên tiếp tục cho con bú ngay cả khi họ nhiễm COVID-19.
Cơ quan này đã theo dõi 46 bà mẹ nhiễm COVID-19 cho con bú tại nhiều quốc gia trong suốt tháng 6. Kết quả, 3 bà mẹ được phát hiện có virus trong sữa nhưng không cho kết quả lây nhiễm sang con. Chỉ duy nhất một đứa trẻ dương tính với COVID-19 và không thể loại trừ việc lây nhiễm từ các nguồn khác.
Giáo sư Tong và các đồng nghiệp đã trộn các tế bào khỏe mạnh vào sữa mẹ, sau đó rửa sạch sữa và cho các tế bào này tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.
Họ quan sát thấy hầu như không có sự liên kết hoặc xâm nhập của virus vào các tế bào này và việc điều trị cũng ngăn chặn sự nhân lên của virus trong các tế bào đã bị nhiễm bệnh.
Từ đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng sự lây nhiễm có thể được ức chế bởi sữa mẹ, vốn đã được biết là có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn và virus, chẳng hạn HIV.
Giáo sư Tong và các đồng nghiệp nghi ngờ COVID-19 nhạy cảm với một số protein kháng virus nổi tiếng trong sữa, như lactoferrin, nhưng không thấy protein nào hoạt động như mong đợi.
Thay vào đó, họ cho biết thành phần ức chế virus hiệu quả nhất là whey, vốn chứa nhiều loại protein khác nhau.
Theo nghiên cứu của giáo sư Tong, whey trong sữa bò và dê có thể ngăn chặn khoảng 70% các chủng virus sống. Trong khi đó, hiệu quả của whey trong sữa mẹ đạt gần 100%.
Video: Chuyên gia đánh giá thế nào về vaccine COVID-19 của Nga và Trung Quốc?