Những món quà tiền tỷ
Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23/11/2023 về việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết Giáp Thìn năm 2024.
Không chỉ Ban Bí thư, mà Chính phủ, địa phương nhiều năm nay cũng có chỉ đạo nghiêm cấm cán bộ cấp dưới biếu tặng quà Tết cho cấp trên; địa phương về trung ương tặng quà.
Pháp luật về phòng chống tham nhũng cũng quy định “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: vovgiaothong.vn).
Tuy vậy, việc kiểm soát cũng rất khó khăn. Ở nhiều vụ án được đưa ra xét xử thời gian qua, từ lời khai của các bị cáo cho thấy việc biếu tặng quà mang động cơ vụ lợi vẫn xảy ra và rất khó phát hiện, nguy hiểm hơn nó như luật bất thành văn. Nhiều “món quà” giá trị bằng cả gia tài mà cán bộ làm công ăn lương mơ ước.
Trong đại án xảy ra tại Công ty CP công nghệ Việt Á, ông Chu Ngọc Anh khi còn là Bộ trưởng Bộ KH-CN đã nhận túi quà, bên trong có 200.000 USD (tương đương 4,6 tỷ đồng) từ Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á. Tương tự, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH-CN nhận 50.000 USD (tương đương 1,1 tỷ đồng); ông Nguyễn Văn Trịnh, trợ lý Phó Thủ tướng nhận 200.000 USD.
Trong vụ án tại Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, có cán bộ nhận quà cảm ơn số tiền 6 tỷ đồng từ Lê Thế Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Thanh Hóa. Riêng Giám đốc Sở Phạm Thị Hằng nhận 3 tỷ.
Trong vụ án tại Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, bà Vũ Liên Oanh (cựu Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Ninh), ông Ngô Vui (nguyên Trưởng phòng KHTC) và ông Hà Huy Long (nguyên Phó trưởng phòng KHTH) bị truy tố về tội Nhận hối lộ từ bà Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch Tập đoàn NSJ).
Cụ thể, bà Oanh đã nhận 14 tỷ đồng; ông Ngô Vui nhận 14,8 tỷ đồng; ông Hà Huy Long nhận 1,395 tỷ đồng và 20.000 USD. Hành vi hối lộ của bà Nga đối với bà Oanh được bà Nga xác nhận thông qua các món quà cảm ơn dịp lễ tết từ 2016-2019…
Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, việc biếu tặng những “món quà” đặc biệt cho cấp trên chẳng qua là hành vi hối lộ trá hình.
“Hiện tượng này khá phổ biến trong nhiều năm và ngày càng tinh vi hơn. Những món quà thể hiện nghĩa tình giống như vài cân cam, con cá nuôi ao nhà được học sinh mang đến biếu thầy cô; hay người bệnh mang vài cân gạo ruộng nhà để cảm ơn bác sĩ cứu mình thì không nói làm gì.
Nhưng quà biếu là hàng chục, hàng trăm nghìn đô thì không còn là món quà bình thường, mà nó là sự hối lộ trá hình.
Trong nhiều vụ án tiêu cực được xét xử thời gian qua, vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu, công ty AIC…, người ta đem biếu tặng nhau vào dịp Tết số tiền nhiều trăm nghìn đô, rõ ràng đó là biến tướng, quà Tết chỉ là trá hình, bản chất là đưa hối lộ và nhận hối lộ để đạt được mục đích vụ lợi”, ông Lê Như Tiến phân tích.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, chỉ thị là tiếng chuông đều đặn hàng năm vang lên để nhắc nhớ, cảnh báo. Nhưng bên cạnh đó không thể thiếu các giải pháp, biện pháp rõ ràng để ngăn chặn khi mà thực tế nhiều vụ biếu xén tinh vi đến mức người ta không đến nhà vì dễ bị lộ, mà đến thẳng cơ quan giả như để trao đổi, báo cáo công việc nhân đó đưa hối lộ. Người ta không chỉ biếu tặng dịp lễ tết, mà còn tranh thủ dịp lên chức, mừng nhà mới, sinh nhật… để đưa những “món quà” rất lớn.
Cán bộ vô tư nhận quà?
Trong Quy chế được ban hành theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ, giá trị quà biếu tặng cho cán bộ, công chức, viên chức nhân dịp hiếu, hỷ, lễ, tết truyền thống không được quá 500.000 đồng; và việc tặng quà này không liên quan đến công việc của cán bộ, công chức, viên chức…
Ông Lê Như Tiến. (Ảnh: quochoi).
“Quy định là vậy nhưng ai giám sát giá trị thực tế quà biếu thế nào. Do đó, quy định thế nào đi nữa cũng không bằng phát huy tinh thần tự giác, tự xấu hổ của cán bộ khi nhận những món quà sai trái. Cùng với quy định của luật pháp, phải có biện pháp giáo dục, răn đe, tuyên truyền sâu rộng vấn đề này trên các phương tiện truyền thông”, ông Lê Như Tiến nói.
“Luật pháp sẽ xử lý cả người đưa và nhận hối lộ. Tuy nhiên nếu cán bộ không nhận mà cảnh cáo, trả lại ai còn dám đưa hối lộ? Chừng nào cấp trên còn vui vẻ nhận thì có cầu sẽ còn có cung. Những người vụ lợi để làm được việc sẽ vẫn tiếp tục đi hối lộ theo kiểu quà biếu tặng”, theo ông Lê Như Tiến.
Trong đại án Việt Á, ông Chu Ngọc Anh nhận quà biếu bên trong là số tiền 200.000 USD, nhưng chỉ bị đề nghị truy tố tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Lý do theo cơ quan điều tra là ông Anh không trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với ông Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á về việc đưa, nhận tiền và cũng không gây khó khăn nhằm mục đích để ông Việt phải đưa tiền.
Là một Bộ trưởng, ông Chu Ngọc Anh không thể không biết quy định “người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình”.
Ông Chu Ngọc Anh không thể không biết tới quy định người có chức vụ, quyền hạn khi nhận quà quá bao nhiêu sẽ bị kỷ luật để “nhắc nhở” ông buộc phải kiểm tra túi quà từ Phan Quốc Việt.
Hay trong vụ án tại Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở đã nhận tổng cộng 14 tỷ đồng. Đáng nói là mỗi lần bà Nga tặng quà tại phòng làm việc hay nhà riêng, bà Oanh đều mở túi kiểm tra, số tiền ít nhất là 1 tỷ đồng và nhiều nhất là 5 tỷ đồng. Như vậy là bà Oanh hoàn toàn biết “món quà” nhận từ bà Nga là sai quy định.
Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, cộng với sự yếu kém về bản lĩnh do thiếu rèn luyện đã khiến nhiều cán bộ bị ngã gục trước những “viên đạn bọc đường”, trong đó có cả những “món quà Tết” trá hình.
Nghị định 59/2019/NĐ-CP nêu rõ:
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định.
- Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài Nhà nước.