Sputnik đưa tin, lựa chọn đầu tiên sẽ quy định cấm việc bán dầu của Nga cho các quốc gia áp giá trần, bao gồm cả thành viên G7, những nước ủng hộ mức giá trần. Điều này áp dụng ngay cả khi các nước này mua dầu từ Nga qua trung gian hoặc qua dây chuyền của họ.
Lựa chọn thứ hai của Nga dự kiến cấm xuất khẩu dầu đối với các hợp đồng có chứa các điều khoản liên quan đến giới hạn giá dầu.
Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Australia cùng EU tuyên bố đạt được thỏa thuận về mức giá trần 60 USD/thùng với dầu của Nga. (Ảnh: Sputnik)
Ngoài 2 lựa chọn trên, Nga cũng đang tính đến việc đưa ra mức chiết khấu tối đa dầu Urals của Nga so với tiêu chuẩn quốc tế là dầu Brent.
Theo Sputnik, các lựa chọn này đang được cân nhắc, có thể sẽ được thay thế bằng lựa chọn khác hoặc kết hợp giữa các phương án.
Điều này được đưa ra sau khi EU đồng ý áp giá trần đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường. G7 và Australia cũng đưa ra thông báo tương tự vào ngày 2/12, khẳng định họ cũng sẽ từ chối giao dịch đối với dầu của Nga được bán trên 60 USD/thùng.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng giá dầu của Nga sẽ thay đổi sau khi phương Tây đưa ra mức giá trần. "Giá dầu sẽ thay đổi. Rõ ràng việc thông qua các quyết định này là một bước tiến tới việc gây bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu", ông Peskov nói.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 4/11 cho biết, Nga sẽ không bán dầu ở mức giá giới hạn 60 USD mà EU và các quốc gia G7 đã đưa ra. Ông Alexander Novak nói thêm, Moskva đang “tìm kiếm các cơ chế” để vượt qua việc bị áp giá trần đối với dầu mỏ.
Nga nhiều lần khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp dụng mức giá trần này. Ông Alexander Novak cảnh báo việc áp giá trần sẽ “làm mất ổn định” thị trường dầu mỏ toàn cầu và lập luận rằng điều đó mâu thuẫn với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).