Cà rốt rất giàu beta-carotene, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A, một chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng. Loại củ này có mặt trong hầu hết các chế độ ăn dưỡng sinh, ăn sạch và lành mạnh. Nó được đánh giá là có lợi cho cả sức khỏe lẫn nhan sắc.
Tuy nhiên, nên ăn cà rốt sống hay nấu chín vẫn luôn là điều khiến nhiều người băn khoăn và có ý kiến bất đồng.
Nên ăn cà rốt sống hay nấu chín? (Ảnh: Istock)
Trong khi nhiều người chủ trương nên ăn sống bằng cách sử dụng cà rốt trong món nộm, làm nước ép, sinh tố, thậm chí gặm thẳng cả củ cà rốt sống để tránh tình trạng mất vitamin do nhiệt độ thì những người khác cho rằng cà rốt nấu chín sẽ tốt hơn.
Theo Prevention, nhiệt độ cao thường làm giảm hàm lượng dinh dưỡng trong rau củ quả, nhưng điều này không đúng với chất beta-carotene trong cà rốt. Loại vitamin này tan trong chất béo và không bị mất đi khi cà rốt được nấu chín.
Thậm chí, một nghiên cứu năm 2002 phát hiện ra rằng việc nấu chín cà rốt làm tăng lượng beta-carotene mà cơ thể có thể hấp thụ. Khả năng hấp thụ chất này của cơ thể sẽ cao hơn tới 6,5 lần nếu cà rốt được nấu chín hẳn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn chỉ nên ăn cà rốt chín. Thật ra cà rốt sống có nhiều lợi ích tương tự các loại rau sống khác, đó là giữ lại được hầu hết các vitamin bị hủy hoại bởi nhiệt độ.
Vậy nên ăn cà rốt sống hay nấu chín? Cả hai, và bạn cần lựa chọn tùy theo mục đích của mình. Nếu muốn nạp nhiều beta-carotene thì đừng ăn sống vì lúc đó 90% lượng carotene trong cà rốt không được dạ dầy hấp thụ.
Cà tốt rất giàu chất dinh dưỡng, thành phần gồm protid, lipid, glucid và chất xơ, các nguyên tố vi lượng, trong đó hàm lượng beta-carotene là cao nhất (trong 100gr cà rốt có tới 3,62mg beta-carotene).
Việc sử dụng cà rốt giúp điều tiết chức năng sinh lý của cơ thể, tăng cường thể chất, tăng miễn dịch, dự phòng tích cực các bệnh lý do thiếu vitamin A, cao huyết áp, tim mạch. Đặc biệt, cà rốt có tác dụng chống lão hóa cho cơ thể.
Beta-carotene có trong cà rốt là nguồn sinh ra vitamin A. Nó là chất chỉ tan trong dầu mỡ nên việc ninh, nấu chín cà rốt với dầu mỡ hay thịt là cách tốt nhất để sử dụng triệt để lượng beta-carotene dồi dào trong loại củ này. Khi ấy, carotene đã hoà tan sẽ xuống ruột non và chuyển thành vitamin A, giúp cơ thể hấp thu dễ dàng.
Ngoài beta-carotene, cà rốt còn có 9 loại axit amin thiết yếu và các khoáng chất như phốt pho, canxi, sắt, đồng, flo, magiê… Không chỉ là loại rau củ có giá trị dinh dưỡng cao, cà rốt còn có thể hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả.
Chế độ ăn nhiều cà rốt sẽ giúp mắt sáng hơn, đề phòng bệnh quáng gà hoặc khô mắt.
Ngoài ra, người ta còn phát hiện cà rốt chứa Insulin, giúp giảm lượng đường trong máu. Vì vậy nó là thực phẩm tuyệt vời dành cho người mắc bệnh tiểu đường hay cao huyết áp.
Một tác dụng tuyệt vời khác của cà rốt là làm mặt nạ dưỡng sáng da. Bạn chỉ cần luộc chín cà rốt, nghiền nát nó rồi trộn chung với mật ong. Thoa hỗn hợp này lên mặt, để yên trong vòng 10 phút rồi rửa lại bằng nước sạch.