Theo Hindustantimes, Priyabrata Sahoo là học sinh lớp 8 trường Trung học Prahallad Chandra Brahmachari ở Purushottampur, Jajpur, Ấn Độ. Em tạo bất ngờ khi giới thiệu kính cảm biến dành cho người khiếm thị, khiếm thính.
Ý tưởng nảy sinh trong đầu Sahoo khi em chứng kiến những người mù trong làng đeo kính đen, dù chúng không có ích gì. Ngoài ra, những người này đi lại khó khăn. Vì thế, nam sinh lớp 8 quyết định thảo luận ý tưởng với giáo viên Khoa học của mình - Tusharkanti Mishra.
Sahoo dự định lắp thêm bộ định vị GPS và nhận dạng giọng nói cho chiếc kính. (Ảnh: Hindustantimes)
Tại phòng thí nghiệm ở trường, Sahoo chế tạo hai chiếc kính. Chiếc cho người khiếm thị sử dụng cảm biến siêu âm và chuông. Chiếc cho cả người khiếm thị và người khiếm thính dùng cảm ứng siêu âm, chuông, động cơ rung.
Thông qua bộ phận cảm biến, chiếc kính đặc biệt phát hiện người, vật thể ở cạnh người đeo và cảnh báo họ bằng tiếng chuông.
Giáo viên Tusharkanti Mishra cho biết Priyabrata Sahoo rất say mê với sản phẩm kính cảm biến. Em dành phần lớn thời gian rảnh, kể cả chủ nhật, tại phòng thí nghiệm để mày mò.
Sắp tới, Sahoo sẽ xin bằng sáng chế sau khi nâng cấp thêm bộ định vị GPS và loa cho kính.
"Những chiếc kính này sẽ kết nối với Google Map và có trình điều khiển bằng giọng nói. Khi người dùng nhập địa chỉ, chúng sẽ tự động hướng dẫn họ đi tới nơi cần đến", nam sinh chia sẻ.