Năm học 2022 - 2023, Bình Dương có 742 trường học, trong đó 393 trường công lập, 349 trường ngoài công lập (tăng 11 trường), với tổng số 527.102 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT, tăng thêm gần 30.000 em so với năm học 2021-2022.
Số học sinh tăng tập trung tại các địa bàn đông lao động nhập cư như: TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát.
Do số học sinh tăng nên ở một số địa phương, sĩ số các lớp vượt mức quy định, cụ thể, ở cấp tiểu học tại thị xã Bến Cát, trung bình 46,6 học sinh/lớp; TP Dĩ An, Thuận An trung bình 44 học sinh/lớp; thị xã Tân Uyên 43 học sinh/lớp; TP Thủ Dầu Một 37,5 học sinh/lớp. Cũng ở các địa phương này, các lớp mầm non, mẫu giáo có số trẻ vượt quy định.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương trả lời báo chí.
Tính đến ngày 15/7, Bình Dương có 15.066 giáo viên. Dự kiến năm học 2022-2023, toàn tỉnh thiếu 3.102 giáo viên, nhiều nhất là giáo viên khối THCS với 1.305 người, cấp tiểu học cần 1.207 người, THPT cần 118 giáo viên, còn khối mầm non thiếu 465 giáo viên.
Trong bối cảnh thiếu giáo viên, ngành GD-ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm 2021 đến tháng 4/2022, có 527 giáo viên làm đơn xin nghỉ việc do mức lương hàng tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng, không đủ để trang trải cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương thông tin, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương tuyển dụng viên chức với 154 chỉ tiêu. Sắp tới, Sở sẽ tham mưu để có những giải pháp bổ sung lực lượng giáo viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy.
"Trên cơ sở tham mưu của Sở GD-ĐT, sau khi tuyển dụng, UBND tỉnh sẽ xem xét, tiếp tục có chủ trương cho phép các trường hợp nhân viên còn thiếu để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên. Đồng thời, giải quyết cho các viên chức không trực tiếp dạy lớp mà "gốc" là sư phạm thì cho phép thẩm định chuyên môn và cho ra đứng lớp", ông Phong thông tin.