Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Na Uy công nhận nhà nước Palestine

(VTC News) -

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết Na Uy chính thức công nhận Palestine là một quốc gia.

“Không thể có hòa bình ở Trung Đông nếu không công nhận Palestine là một quốc gia”, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store tuyên bố. Kể từ ngày 28/5, quốc gia này sẽ chính thức công nhận nhà nước Palestine.

Thời gian qua, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch công nhận nhà nước Palestine và cho rằng đây là điều cần thiết đối với hòa bình lâu dài trong khu vực.

Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store. (Ảnh: AP)

Na Uy không phải là thành viên của EU song nước này ủng hộ nhiệt tình việc tìm giải pháp giải quyết mối quan hệ giữa hai nước Israel - Palestine.

Thủ tướng Jonas Gahr Store nói: “Vụ khủng bố đã được thực hiện bởi Hamas và các nhóm chiến binh không ủng hộ giải pháp dành cho Na Uy, Palestine và Israel”. Ngoài ra, ông Gahr Støre cũng nhấn mạnh Palestine có quyền cơ bản về một quốc gia độc lập.

Ireland và Tây Ban Nha cũng lên tiếng về việc công nhận nhà nước Palestine. Thủ tướng Ireland Simon Harris nói đây là động thái được phối hợp với Tây Ban Nha và Na Uy. Ông cho biết động thái này nhằm giúp đưa xung đột ở Palestine và Israel tới giải pháp hai nhà nước.

Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cho biết nước này sẽ công nhận Palestine là nhà nước vào ngày 28/5. 

Động thái này diễn ra trong bối cảnh quân đội Israel tiến hành nhiều cuộc tấn công vào rìa phía bắc và phía nam của dải Gaza, gây ra một cuộc di cư mới của hàng trăm nghìn người và hạn chế dòng viện trợ, làm tăng nguy cơ nạn đói ở khu vực.

Hôm 11/5, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng thảo luận và bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủng hộ Palestine trở thành thành viên chính thức với tỷ lệ áp đảo 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng.

Nghị quyết tuyên bố Nhà nước Palestine đủ tư cách trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, đồng thời khuyến nghị Hội đồng Bảo an xem xét ủng hộ tiến trình này.

Dù chỉ mang tính biểu tượng, song việc Đại hội đồng thông qua nghị quyết có ý nghĩa to lớn đối với quy chế và hoạt động của Palestine. Theo đó, Palestine được hưởng nhiều quyền hạn hơn kể từ khóa họp toàn thể sắp tới của Đại hội đồng (tháng 9/2024), như đưa ra tuyên bố thay mặt một nhóm; trình các đề xuất và sửa đổi hay đề xuất các nội dung trong chương trình nghị sự tạm thời tại các phiên họp thường kỳ hoặc bất thường…

Tuy nhiên, do chưa là thành viên đầy đủ, Palestine vẫn sẽ không được quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an hay Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC).

Kông Anh

Tin mới